Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu và suốt năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành các hoạt động giám sát chặt chẽ. Các Đội Quản lý thị trường tại địa phương đã chủ động theo dõi tình hình thị trường, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, đặc biệt là những mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp lễ.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Quảng Bình
Trong quá trình kiểm tra, trọng tâm là việc giám sát nguồn gốc nguyên liệu sản xuất thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm và điều kiện bảo đảm an toàn trong quy trình sản xuất. Ngoài ra, các quy định pháp luật về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật và việc sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy cũng được thực thi nghiêm túc.
Kết quả, trong dịp Tết Trung thu 2024, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 12 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 121 triệu đồng. Ngoài ra, các tang vật vi phạm trị giá gần 180 triệu đồng đã bị tịch thu và tiêu hủy. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình, vào ngày 16/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra hộ kinh doanh Thanh Hằng tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới. Qua kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh này đang bán 1.174 sản phẩm bánh nhập lậu không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ tiếng Việt và chưa công bố chất lượng. Toàn bộ số hàng hóa đã bị tiêu hủy theo quy định và chủ hộ bị phạt 10 triệu đồng.
Sản phẩm bánh kẹo không đảm bảo chất lượng bị buộc tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Quảng Bình
Trước đó, ngày 07/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 47H-001.11 do ông Nguyễn Thanh Huy điều khiển, phát hiện trên xe có 960 hộp sữa tiệt trùng, 84 hộp bánh quy, cùng nhiều mặt hàng khác nhập lậu từ Thái Lan và Indonesia. Ông Huy bị phạt 16 triệu đồng và toàn bộ số hàng vi phạm trị giá gần 25 triệu đồng đã bị tiêu hủy.
Song song với công tác xử phạt, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở kinh doanh về việc tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và không tiêu thụ hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng. Nhiều cơ sở đã ký cam kết không kinh doanh hàng hóa vi phạm. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và duy trì lòng tin của nhân dân.
Duy Trinh
https://vietq.vn/quang-binh-xu-ly-12-co-so-vi-pham-chat-luong-hang-hoa-trong-dip-tet-trung-thu-nam-2024-d225929.html