(QBĐT) – Nếu như Trái Đất là hành tinh xanh trong vũ trụ vô tận, vô cùng thì Việt Nam là đất nước xanh trong hành tinh xanh đó. Tôi yêu vô cùng đất nước này với bốn mùa cây lá xanh tươi, hoa trái ngọt lành. Nhìn những vòm cây run rẩy xanh trong mưa gió lòng tôi rưng rưng muốn nói lên một điều gì đó.
Cũng thế, tôi thấy yêu cuộc sống hơn khi ngắm những luống hoa khoe sắc mỗi ngày. Khi được làm người giữa mênh mang, điệp trùng của biển trời, sông núi Tổ quốc, được thấy dòng đời trôi trong thôn mạc, phố phường, tôi cảm nhận cái hạnh phúc giản dị của cuộc sống không gì khác là sự xanh tươi, trong sạch. Sự xanh tươi, trong sạch cần được hiểu theo nhiều hình thái từ thiên nhiên đến xã hội và mỗi con người. Cái hạnh phúc giản dị đó đã trở nên không dễ có đối với cuộc sống của chúng ta khi ô nhiễm môi trường (cả thiên nhiên và xã hội) đã đến mức báo động.
Điều ai cũng dễ nhận ra là hiện nay không một quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập. Mỗi lãnh thổ là một mảnh ghép làm nên thế giới vừa rộng lớn vừa chật chội này và con người đang tồn tại với nhiều mối quan hệ, kết nối mang tính toàn cầu trở thành hiện thực sinh động. Không quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào đứng ngoài mối nguy hại về sự biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực. Nhiệt độ Trái Đất tăng. Nước biển dâng. Siêu bão. Lũ lụt. Đất chảy. Hạn hán. Núi lửa. Động đất. Sóng thần. Nhiều giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tất cả những hiện tượng đó trở thành mối nguy của Trái Đất. Nói chính xác hơn đó là nguy cơ hủy diệt sự sống trên hành tinh của chúng ta.
“Ngày tận thế” không còn là câu chuyện trong kinh thánh nữa mà có thể trở thành thảm họa kinh hoàng khó tránh khỏi của loài người trong tương lai nếu loại “sinh vật có ý thức” không sớm hành động tích cực. Văn minh Trái Đất có thể bị tiêu diệt khi môi trường hành tinh bị tàn phá dữ dội bởi tham vọng làm giàu bằng mọi cách, bằng mọi giá của con người.
|
Chúng ta chắc còn nhớ, mùa đông 2021, trong mối lo đại dịch Covid-19 chưa vơi, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) được khai mạc tại Glasgow (Vương quốc Anh). Hàng tỷ người trên thế giới hướng về đó với hy vọng có những thông điệp mới về biến đổi khí hậu.
Tôi cho rằng đó là hội nghị bàn về tương lai của loài người. Một tương lai xanh vốn là từ quá quen thuộc với người Việt Nam trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra không có gì lạ lẫm; đó là cắt giảm khí thải, giữ cho nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng ở mức dưới 2oC so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong khi đó hiện tại Trái Đất đã được hun nóng thêm 1,1oC rồi.
Việt Nam, một quốc gia ngoài đất liền còn có khoảng 1 triệu km2 biển với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, khí hậu nhiệt đới gió mùa chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp rất lớn và lâu dài của biến đổi khí hậu. Thông điệp của Việt Nam đưa ra tại COP 26 qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất rõ ràng: Lời cảnh báo của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu; ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và toàn dân. Việt Nam sẽ đi theo hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là động lực phát triển bền vững với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Đã rõ một chiến lược phát triển đất nước lâu dài mang tính khoa học và thực tiễn cao. Phát triển kinh tế đồng thời với việc gìn giữ môi trường. Nếu cần phải cân đong đo đếm tỉ mỉ thì tôi nghĩ việc gìn giữ môi trường trong sạch là tiêu chí số 1. Để Việt Nam trở thành nơi đáng sống thì đất nước này không thể không xanh được.
Ngay từ bây giờ mọi dự án phát triển kinh tế đều có sự can dự ráo riết của vấn đề môi trường. Đừng để môi trường sống của con người bị xâm hại, tổn thương thêm nữa. Phải “vá lại” những lỗ hổng của môi trường do con người gây nên. Đất nước phải xanh; nông thôn, đô thị phải xanh; từng gia đình phải xanh. Tiêu chí xanh như là chuẩn mực của cuộc sống. Đừng nghĩ rằng, tiêu chí đó chỉ phù hợp với những nước hiện đại, phát triển. Một quốc gia mức thu nhập bình quân chưa cao như Việt Nam vẫn có thể thực hiện được tiêu chí đó.
Tôi từng đến nhiều làng xã đạt tiêu chuẩn “Nông thôn mới” và tận mắt thấy sự xanh-sạch-đẹp ở nơi đó. Sự đổi thay không chỉ tính bằng những công trình mới do Nhà nước và nhân dân cùng làm như điện, đường sá, trường học, trạm xá mà còn ở nếp sống ngăn nắp, sạch sẽ, cách ứng xử thân thiện của con người. Đó là lối sống vừa coi trọng những giá trị cốt lõi của truyền thống dân tộc vừa tiếp thu được sự tiến bộ của thời đại.
Người dân không chỉ chăm chút làm sạch, làm đẹp cho ngôi nhà, khoảnh sân, mảnh vườn của mình mà còn biết dọn vệ sinh, trồng cây, trồng hoa cho đường thôn, lối xóm. Sự đổi thay được tính bằng cái rất nhỏ là thùng đựng rác. Rác không còn “tùy nghi di tản” nữa mà có địa chỉ tập kết rõ ràng. Bớt đi một mẩu rác vứt bừa bãi, làng phố thêm một chút sạch. Nhiều chút như thế gom lại sẽ có cái sạch chung của cả cộng đồng.
Trong mỗi căn hộ ở thành phố dù lớn hay bé, tôi nghĩ cũng có thể thực hiện xanh-sạch-đẹp. Đôi khi chỉ cần mấy chậu cây, bình hoa nhỏ cũng làm cho không gian sống của chúng ta đáng yêu hơn. Nó như những nét đẹp tô điểm cho cuộc sống. Cái đẹp không cần sự rườm rà, khoe mẽ mà nó nằm ở sự tối giản, hài hòa. Ai đó đã từng nói rằng, ở đời nên làm được ba việc lớn; đó là làm một ngôi nhà, viết một cuốn sách và trồng một cây xanh. Hai việc đầu tiên rất khó nhưng việc thứ ba thì chắc ai cũng làm được. Chả thế mà Bác Hồ từng viết: Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Mỗi cây sẽ góp thêm cho đất nước một vòm xanh, một khoảng không gian rì rào tiếng lá và ríu rít tiếng chim. Cây càng nhiều đất nước càng thêm xanh tươi và trong lành, khí thải có hại sẽ giảm đi.
Chúng ta ai cũng mong để lại cho con cháu những cái tốt đẹp. Một đất nước Việt Nam giàu mạnh là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Với mỗi gia đình cũng thế, ai chẳng muốn có một ngôi nhà ấm áp là nơi đoàn tụ của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nhưng tôi nghĩ, cái gia sản quý giá nhất, không gì có thể sánh nổi và thay thế được là để lại cho các thế hệ mai sau một không gian sống xanh tươi, trong sạch, đẹp đẽ. Cây đời sẽ mãi mãi xanh tươi như bản hòa ca dìu dặt giữa con người với thiên nhiên. Con cháu ta sẽ được sống trong một đất nước đầy hương, một hành tinh đầy hương như Chế Lan Viên từng khao khát: Ăn phải bùa các nhà thơ, ta yêu trái đất đến trăm lần/Dẫu hóa thành hương bay đi còn quyện lại/Dù có thể sống triệu năm ở Kim tinh, Hùng tinh hay sao Chổi/Dễ được một ngày trên trái đất hóa tình nhân…
Thanh Khê
https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/xanh-giac-mo-chua-cu-2221453/