Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024
spot_img
HomeKinh tế“Vượt siêu bão Yagi”: Kinh tế Việt Nam vẫn dự kiến hoàn...

“Vượt siêu bão Yagi”: Kinh tế Việt Nam vẫn dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7%

PV: Xin bà phân tích rõ hơn về bức tranh tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024 với những tác động của bão Yagi tới các chỉ tiêu kinh tế thời gian này?


Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) tăng 2,58%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; Khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) tăng 9,11%, đóng góp 3,7 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ (khu vực III) tăng 7,51%, đóng góp tăng 3,56 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng năm nay, GDP tăng 6,82%, trong đó: Khu vực I tăng 3,2%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; Khu vực II tăng 8,19%, đóng góp 3,23 điểm phần trăm; Khu vực III tăng 6,95%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm.


Có thể thấy rõ ảnh hưởng của bão số 3 đổ bộ trong tháng 9 đã tác động tới kết quả tăng trưởng chung của khu vực I. Cụ thể, số liệu thống kê quý III năm 2024 cho thấy, giá trị tăng thêm khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn các năm còn lại của giai đoạn 2020-2023; trong đó hoạt động nông nghiệp tăng thấp nhất (giá trị tăng thêm chỉ đạt 2,03%) so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2020 đến nay và các quý đầu năm 2024 do nhiều diện tích trồng lúa mùa sắp cho thu hoạch, đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.


Tăng trưởng quý III của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của một số tỉnh có sự sụt giảm đáng kể hoặc tăng thấp: Bắc Giang (-12,94%), Thái Nguyên (-10,81%), Quảng Ninh (-6,97%), Hải Phòng (-5,64%); Lào Cai (-1,13%); Cao Bằng (-1%), Hà Nam (-0,94%), Thái Bình (+0,08%), Phú Thọ (+2,13%), Hải Dương (+2,37%).


Ngược lại, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn biến tốt: Sản xuất lúa hè thu đạt khá; sản lượng cây lâu năm cho thu hoạch như cây ăn quả, sầu riêng, cà phê, cao su, điều tăng khá nhờ thời tiết tương đối thuận lợi và nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Hoạt động lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị tăng thêm nên không ảnh hưởng nhiều tới kết quả chung của hai nhóm ngành này.


Do đó, hoạt động lâm nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, giá trị tăng thêm quý III đạt 4,32% nhờ hoạt động trồng rừng tăng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu tăng trưởng tốt; giá gỗ nguyên liệu ở mức cao khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác.


Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, giá trị tăng thêm ngành thủy sản quý III tăng 3,89%.


Do sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III bị ảnh hưởng do bão và hoàn lưu sau bão nên tính chung 9 tháng năm 2024, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng không đạt mức tăng trưởng như dự kiến, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm từ 2021-2023 với 3,2%; trong đó hoạt động nông nghiệp tăng chậm lại, hoạt động lâm nghiệp và thủy sản đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92%; ngành lâm nghiệp tăng 4,96%; ngành thủy sản tăng 3,73%.


Đối với 26 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3, thiệt hại chủ yếu ở khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong hoạt động nông nghiệp, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, nhiều lồng bè bị cuốn trôi, tàu thuyền bị hư hỏng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị phá hủy… tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La. Mức độ thiệt hại trong ngành nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 không quá nặng nề. Hoạt động thủy sản ở một số tỉnh do tác động trực tiếp bởi cơn bão số 3, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai cũng giảm mạnh nhưng nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (chiếm hơn 70% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước) nên hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước 9 tháng năm nay vẫn phát triển ổn định. Dù tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản của các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ chỉ chiếm khoảng hơn 20% cả nước nên không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung của khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản của toàn nền kinh tế.


Khu vực II: Tăng trưởng ngành công nghiệp quý III đạt 9,59% là mức tăng cao nhất trong 3 quý kể từ đầu năm (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%). Trong đó, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng của khu vực này phải kể đến ngành chế biến chế tạo với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng quý 3 cao nhất kể từ năm 2019.


Có được mức tăng này một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm, mặt khác đây là con số được tính trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023 (chỉ tăng 5,59% do năm 2023 ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm).


Trong khu vực này, ngành khai khoáng và ngành điện cũng bị ảnh hưởng do bão Yagi. Hai ngành này có tốc độ tăng quý III lần lượt là -7,09% và 8,06%, thấp hơn mức tăng của quý I và quý II (ngành khai khoáng giảm nhiều hơn so với quý I; ngành điện tăng thấp hơn quý I và quý II).


Tuy nhiên, một số yếu tố ngoài dự kiến đã hỗ trợ tăng trưởng của các ngành công nghiệp như ngành lọc hóa dầu có tăng trưởng tốt sau thời kỳ nghỉ bảo dưỡng; ngành điện tử có thêm đơn hàng mới; ngành dệt may tận dụng được những đơn hàng từ nước ngoài do thị trường quốc tế có những khó khăn, bất ổn; đường dây 500kv mạch 3 thông toàn tuyến góp phần giảm các nguồn năng lượng không tái tạo, tận dụng các nguồn năng lương tái tạo, như: thủy điện… nhằm duy trì nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng trên toàn quốc đã giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp không bị giảm so với kịch bản dự kiến mà còn đủ bù đắp những thiệt hại của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.


Tính chung 9 tháng, mặc dù ngành khai khoáng tiếp tục đà giảm âm kể từ năm 2023 nhưng toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực đạt 8,34%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,76% và ghi nhận nhiều ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất IIP 9 tháng đạt mức tăng hai con số như: sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng trên 28%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng trên 24%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng trên 18%; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng trên 16%; sản xuất xe có động cơ, dệt, tăng khoảng 13%; hoạt động sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng khoảng 12%. Ngành sản xuất, phân phối điện tăng mạnh trên 11%. Ngành Cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng đạt tăng trưởng 9,83%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2019 trở lại đây.


Đối với 26 tỉnh bị tác động trực tiếp bởi cơn bão số 3, hoạt động công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nhà xưởng bị lật mái, hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị bị hư hại; mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc diện rộng; sản xuất một số nơi bị ngưng trệ tạm thời do mưa lũ nhưng mức độ thiệt hại không lớn do phần lớn khối doanh nghiệp đã có kế hoạch chủ động ứng phó với bão lũ. Các tỉnh có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh đều ít bị tác động do bão Yagi, chỉ số IIP 9 tháng vẫn tăng khá tốt: Hà Nội tăng trên 5%, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng tăng từ 7%-14%.


Ngành Xây dựng trong quý III có xu hướng tăng chậm lại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại 26 tỉnh phía Bắc và cơn bão số 4 tại các tỉnh miền Trung trong tháng 9/2024 khiến hoạt động xây dựng bị gián đoạn; nhiều công trình đang thi công dở dang trên các địa bàn bị bão đi qua cũng bị hư hại nặng nề. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 7,09%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và 2023 (18,7% và 8,0%). Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành xây dựng đạt 7,48%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (tăng hơn 6%) nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2022 (tăng hơn 10%).


Khu vực III: Hoạt động dịch vụ tiếp tục có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số ngành có tăng trưởng tốt trong quý III gồm: Vận tải kho bãi (tăng 11,07%); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (tăng 10,17%); Dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 8,75%); Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (tăng 7,97%). Ngoài một số ngành dịch vụ chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 3 đầu tháng 9 như dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí thì các ngành dịch vụ khác còn lại vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, tháng 9 không phải thời kỳ cao điểm du lịch (cao điểm diễn ra các hoạt động du lịch, lễ hộithường vào trước tháng 9, khi bão chưa xảy ra) do đó, khu vực III không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ cơn bão.


Nhìn chung, trong quý III và 9 tháng năm 2024 nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường, nhưng được bù đắp bởi mức tăng ấn tượng của ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng khá nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ổn định, tạo đà phát triển cho quý IV và cả năm.



https://kinhtevadubao.vn/vuot-sieu-bao-yagi-kinh-te-viet-nam-van-du-kien-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-tu-65-7-29971.html

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments