Tránh đánh thuế đột ngột, gây sốc cho nền kinh tế
Đánh thuế Bất động sản với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Chia sẻ về quan điểm của mình, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế.
Theo ông Võ, ở các nước phát triển, người lao động có thu nhập cao, trong tiền lương đã có chi phí nhà ở. Các nước này đều có hệ thống cơ sở dữ liệu Nhà đất đầy đủ, toàn diện, được cập nhật kịp thời, dựa vào nền tảng số. Công việc quản lý thuế sẽ giản dị, chính xác và không bị rối bời vì có thể nhiều dữ liệu mà tạo nên khó vận hành.
Cơ quan quản lý có thể biết chính xác trên cả nước ông A hay ông B đang sở hữu bao nhiêu BĐS, thuộc loại nào, tổng giá trị là bao nhiêu. Không có chuyện mù mờ đối tượng đánh thuế. Vấn đề lớn hơn là đổi mới tư duy trong việc giải quyết mâu thuẫn kịch liệt giữa bảo vệ bí mật quyền riêng tư tài sản và yêu cầu công khai – minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng.
Nhìn nhận về bối cảnh trong nước hiện nay, ông Võ cho rằng, đánh thuế bất động sản cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận, tránh tuyệt đối kiểu giật cục, đột ngột chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, gây sốc cho nền kinh tế và cả khối đồng thuận xã hội.
Cũng theo ông Võ, mặt bằng thu nhập của người lao động Việt Nam thấp, hơn nữa còn là chính sách để thu hút đầu tư FDI. Trong tiền công, tiền lương gần như không nhìn thấy chi phí cho chỗ ở. Hạ tầng quản lý nhà đất, thu nhập, tiêu dùng của chúng ta còn kém, chưa theo kịp các hình thức sản xuất, kinh doanh dựa vào những tiến bộ kỹ thuật. Vậy nên lộ trình áp dụng thuế BĐS trong nước cần thời gian, tích cực lắm cũng phải 20 năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội nhìn nhận, việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai đòi hỏi phải có sự chuẩn bị toàn diện, không chỉ ở một khu vực cụ thể mà trên toàn quốc.
Theo đó, cần sự đồng bộ trong hệ thống quản lý bất động sản và các biện pháp kỹ thuật khác như giao dịch qua ngân hàng và kê khai tài sản. Cụ thể, cần có dữ liệu chính xác một người sở hữu bao nhiêu bất động sản và cần nắm rõ mục đích mua nhà để ở hay đầu tư để đánh thuế cho phù hợp. Nếu chưa có đủ điều kiện thì việc thực hiện sẽ không đạt hiệu quả và có thể làm tổn hại đến mục tiêu phát triển lành mạnh của thị trường.
Đánh thuế theo hướng điều chỉnh hành vi
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, đánh thuế tài sản nhằm điều tiết hành vi. Những hành vi nào Nhà nước không khuyến khích thì cần đánh thuế thật nặng, hành vi nào khuyến khích thì lại có chính sách thuế hỗ trợ.
Một người có thể sở hữu đến 10 ngôi nhà và 10 ngôi nhà được đưa vào sử dụng để kinh doanh dịch vụ, phục vụ nhu cầu xã hội, tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế cho Nhà nước thì đó là hành vi cần khuyến khích. Nhất là trong bối cảnh những ngôi nhà đó nằm ở khu đô thị, dân cư thiếu trường học, trạm y tế… lại càng cần tạo cơ chế hỗ trợ. Còn một người sở hữu đến 10 ngôi nhà, sau đó tìm cách “thổi” giá, bán để kiếm lời, tạo ra những hệ lụy cho xã hội, cho thị trường bất động sản thì rõ ràng hành vi ấy không khuyến khích, cần phải xử phạt thật nặng, ông Đính nói.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ. Theo cơ quan này, giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ, đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng. Đồng thời, nghiên cứu đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
https://www.baogiaothong.vn/thue-bat-dong-san-can-co-lo-trinh-nen-danh-vao-hanh-vi-khong-duoc-khuyen-khich-192241007174235217.htm