Thị trường vàng còn diễn biến khó lường và việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu từ quốc tế

Date:

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thị trường vàng còn diễn biến khó lường và việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu từ quốc tế- Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Sáng 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Thị trường vàng còn diễn biến khó lường

Đại biểu Lưu Văn Đức (Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội) chất vấn việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chỉ đạo bình ổn thị trường vàng của Chính phủ ra sao. Ông cũng hỏi việc quản lý thị trường vàng của nhà điều hành tác động đến Giá Vàng, thị trường hiện tại và tương lai như thế nào.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường vàng của Việt Nam biến động phù hợp diễn biến chung thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và khiến giá trong nước tăng theo nhưng NHNN chưa can thiệp.

Từ tháng 6/2024, giá vàng của quốc tế lập đỉnh. Lúc trước khi can thiệp, giá vàng dao động 2.300-2.400 USD một ounce. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành để tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vàng thế giới lập đỉnh mới, tâm lý kỳ vọng của thị trường dâng lên cao. Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ biện pháp can thiệp này, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế đang ở 15-18 triệu đồng một lượng giờ chỉ còn 3 – 4 triệu đồng.

Theo Thống đốc, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, phức tạp và Việt Nam không sản xuất vàng, nên việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng”, bà Hồng nói.

Vì sao ngân hàng chỉ bán không mua lại vàng miếng?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian vừa qua, NHNN đã thực hiện biện pháp can thiệp thị trường vàng bằng cách bán vàng “bình ổn”. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ bán và không mua.

“Nếu người dân muốn bán thì bán ở đâu?Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tại sao không bán ở các tỉnh/thành khác?”, ông Hòa đặt vấn đề.

Trả lời vấn đề của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói: Từ năm 2014 đến năm 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN đã cung vàng. Tuy nhiên, NHNN chưa đặt vấn đề mua lại. Đối với Ngân hàng thương mại Nhà nước, bán vàng “bình ổn” chủ yếu là thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

Đối với việc các ngân hàng thương mại không mua vàng cho dân, để người dân phải bán ở “chợ đen”, Thống đốc thông tin, bản thân các tổ chức tín dụng vừa qua thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của NHNN để bình ổn thị trường vàng. Mặt khác, vàng không như ngoại tệ do phải kiểm định chất lượng vàng, hàm lượng vàng khi giao dịch mua – bán. Như vậy, khi mua vào, các tổ chức tín dụng cũng phải đầu tư về con người, thiết bị để thiết bị nhằm tránh rủi ro về chất lượng vàng.

Cũng theo Thống đốc, hệ thống kinh doanh mua – bán vàng miếng hiện nay có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Các đơn vị này hoàn toàn có thể mua – bán vàng miếng bình thường.

“22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp đã có chi nhánh mua – bán và địa điểm giao dịch ở nhiều nơi. Cho nên, việc không mua có thể đến từ nguyên nhân biến động mạnh của thị trường vàng”, Thống đốc chia sẻ thêm.

Dẫn ví dụ, bà Hồng cho biết, giá vàng thế giới có thời điểm biến động mạnh trong một ngày. Như vậy, mỗi doanh nghiệp mua – bán cũng phải cân nhắc để đề phòng rủi ro. Đồng thời, NHNN khuyến cáo, đây là mặt hàng biến động khó lường, phức tạp. Nếu để đầu tư mặt hàng vàng, người dân đối mặt nhiều rủi ro khi mua – bán.

Sẽ lập sàn giao dịch vàng ‘ở thời điểm phù hợp’

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.

Bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

https%3A%2F%2Fcafef.vn%2Fthong-doc-nguyen-thi-hong-thi-truong-vang-con-dien-bien-kho-luong-va-viec-can-thiep-hoan-toan-phu-thuoc-vao-nguon-vang-nhap-khau-tu-quoc-te-188241111100834668.chn

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related