(HTV) – Vàng đã vượt ngưỡng 2.700 Đô-la Mỹ lần đầu tiên sau hơn hai tuần, hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong gần hai năm. Lo ngại gia tăng xung đột Nga – Ukraine tiếp tục hỗ trợ giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu trong nước đã kéo dài đà giảm.
Giá Vàng trong nước
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 4 giờ 30 phút hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2,709.21 Đô-la Mỹ/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 0,66% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá Đô-la Mỹ, trên thị trường tự do (25.666 VND/Đô-la Mỹ), vàng thế giới có giá khoảng 83,83 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế là 3,17 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 24 giờ qua
Giá vàng hôm nay đã vượt ngưỡng 2.700 Đô-la Mỹ lần đầu tiên sau hơn hai tuần, hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong gần hai năm, do nhu cầu trú ẩn an toàn vượt trội hơn sức mạnh của đồng Đô-la Mỹ và kỳ vọng thấp hơn về việc Hoa Kỳ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Alex Ebkarian – Giám đốc điều hành tại Allegiance Gold, cho biết : “Sự leo thang trong xung đột Nga – Ukraine có vẻ như đang mở rộng thành xung đột Nga – Mỹ và điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản trú ẩn an toàn trong ngắn hạn”.
Giá vàng thỏi đã tăng hơn 5,7% trong tuần này, hướng đến mức tăng trưởng hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 3/2023, khi làn sóng khủng hoảng ngân hàng làm chao đảo thị trường toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu về tài sản an toàn hơn.
Giá vàng tăng vọt trong tuần này là do cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine leo thang, đẩy giá tăng hơn 170 Đô-la Mỹ từ mức thấp nhất trong hai tháng là 2.536,71 Đô-la Mỹ vào thứ Năm tuần trước. Vàng thỏi có xu hướng tăng giá trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị, rủi ro kinh tế và môi trường lãi suất thấp.
Vàng tiếp tục tăng vào thứ Sáu ngay cả khi đồng Đô-la Mỹ đạt mức cao nhất trong hai năm và bitcoin đạt mức đỉnh điểm mọi thời đại. Kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12 từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã giảm xuống, với khả năng hiện ở mức 53%, giảm mạnh so với mức 82,5% của một tuần trước đó.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed tuần này bày tỏ lo ngại rằng tiến triển lạm phát có thể đã đình trệ, ủng hộ sự thận trọng, trong khi những người khác nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Ebkarian cho biết, với những thay đổi chính sách đang diễn ra và rủi ro lạm phát từ đề xuất áp thuế thương mại của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, triển vọng của vàng vẫn mạnh mẽ, với mức thử nghiệm 2.750 Đô-la Mỹ dự kiến vào giữa tháng 12.
Giá bạc giao ngay tăng 1,5% lên 31,24 Đô-la Mỹ/ounce, giá palladium giảm 1,4% xuống 1.015,00 Đô-la Mỹ, trong khi giá bạch kim tăng 0,6% lên 964,36 Đô-la Mỹ. Cả ba kim loại đều đang trên đà tăng trong tuần. Các nhà phân tích của Commerzbank lưu ý: “Theo quan điểm của chúng tôi, giá bạch kim nói riêng sẽ tăng đáng kể vì thị trường có khả năng thâm hụt năm thứ ba liên tiếp vào năm 2025”.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 22/11), giá dầu “bỏ túi” thêm khoảng 1%, đạt mức cao nhất trong 02 tuần.
Giá dầu Brent tăng 94 cent, tương đương 1,3%, lên mức 75,17 Đô-la Mỹ/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,14 Đô-la Mỹ, tương đương 1,6%, lên mức 71,24 Đô-la Mỹ/thùng.
Giá dầu đã chạm mức cao nhất trong 02 tuần. Nguồn ảnh: Energy Now
Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng khoảng 6% trong tuần, mức tăng cao nhất kể từ ngày 07/11. Giá dầu tăng do Moscow đẩy mạnh cuộc tấn công vào Ukraine sau khi Anh và Mỹ cho phép Kiev sử dụng tên lửa của họ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhận xét: Sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, vượt xa mức độ từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm giữa Israel và lực lượng được Iran hậu thuẫn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu thanh Oreshnik mới. Nga đã bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa hành trình của Anh để tấn công Nga.
Theo nhà phân tích John Evans của PVM, điều mà thị trường lo sợ là sự phá hủy bất kỳ mỏ dầu, khí đốt và cơ sở lọc dầu nào bởi việc này không chỉ gây thiệt hại lâu dài mà còn đẩy nhanh vòng xoáy xung đột.
Trong động thái mới, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Ngân hàng Gazprombank của Nga.
Điện Kremlin cho biết lệnh trừng phạt mới của Mỹ là nỗ lực của Washington nhằm cản trở việc xuất khẩu khí đốt của Nga, nhưng Moscow sẽ tìm ra giải pháp.
Liên quan đến nguồn cầu, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố các biện pháp chính sách trong tuần này nhằm thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu sản phẩm năng lượng, trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, thương nhân và dữ liệu theo dõi tàu biển, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 dự kiến sẽ phục hồi. Lượng dầu nhập khẩu ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 03 thế giới, cũng tăng do mức tiêu thụ trong nước tăng.
Thị trường đang lo ngại thiếu hụt nguồn cung nếu xung đột Nga – Ukraine không hạ nhiệt. Nguồn ảnh: Sky
Gây áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch ngày 22/11 là thông tin hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro trong tháng 11 đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi, ngành dịch vụ chủ chốt của khối này suy giảm, ngành sản xuất chìm sâu hơn vào suy thoái.
Đồng Đô-la Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 02 năm so với các loại tiền tệ khác cũng hạn chế đà tăng của giá dầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23/11 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 19.343 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 20.528 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.509 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.921 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.014 đồng/kg.
https%3A%2F%2Fwww.htv.com.vn%2Fthi-truong-ngay-23112024-vang-lai-vuot-ngung-2700-do-la-my