Ngày 10/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thị trường Bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản”.
Tại hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết số lượng dự án chung cư, nhà ở xã hội và các sản phẩm mới được triển khai gần đây rất khiêm tốn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong tương lai gần. Hiện tại, thị trường đang mất cân đối cung – cầu ở một số phân khúc
GS. TS Cường cũng nhận định, trong bối cảnh nguồn cung yếu và nhu cầu lớn, giá nhà tại Hà Nội có xu hướng tăng nhanh.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. HCM, giai đoạn 2023-2024, nhu cầu gần như không tăng, giá các phân khúc không có sự biến động lớn, chỉ riêng phân khúc chung cư vẫn tăng nhẹ khoảng 6%.
>> Xu hướng mới ở thị trường BĐS công nghiệp phía Bắc
Theo GS. TS Cường, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sẽ tạo điều kiện cho những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực lớn tiếp cận các dự án dễ dàng hơn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Việc tháo gỡ các rào cản pháp lý sẽ giúp mở rộng thị trường, khi đó nguồn cung BĐS sẽ phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho rằng, để tạo sự cân bằng cho thị trường bất động sản và chống đầu cơ, việc giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn không phải là giải pháp giúp tăng nguồn cung. Thay vào đó, cần triển khai các gói lãi suất tín dụng dài hạn cho vay BĐS để tạo ra sự cân bằng mới trên thị trường.
Ông cũng đề xuất cần tháo gỡ các nút thắt pháp lý để giúp nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn, từ đó giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận nguồn cung bất động sản.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) – TS. Nguyễn Văn Đính, cũng đưa ra đề xuất nhằm tạo lập cân bằng cho thị trường. Ông cho rằng, chính sách điều tiết thị trường trong thời gian tới cần tập trung thúc đẩy phân khúc nhà ở bình dân, nhờ đó thị trường mới có thể phát triển thực chất và bền vững.
Ông Đính nhận định rằng, giá bất động sản tăng cao hiện nay xuất phát từ quy luật cung – cầu. Nếu muốn “hạ nhiệt” giá bán, cần tăng cường nguồn cung thay vì can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Hiện nay, thị trường chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, phục vụ giới đầu tư và người có thu nhập cao. Trong khi đó, phân khúc bình dân, dù có nhu cầu lớn, lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ông Đính cho rằng, cần nhanh chóng thực thi khung pháp lý mới và thúc đẩy các dự án phát triển phân khúc bình dân để khắc phục tình trạng bất thường này.
Ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đã có chia sẻ tại hội thảo về diễn biến thị trường thời gian qua.
Theo đó, ông Dũng cho biết, giá BĐS đã biến động cục bộ ở một số phân khúc và khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội, nơi nhiều dự án và phiên đấu giá đất có mức tăng cao so với giá khởi điểm và mặt bằng chung. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu sự tăng giá có phải xuất phát từ những chính sách mới vừa được ban hành.
Ông Dũng nhận định, các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực đã bước đầu tác động tích cực đến thị trường, đặc biệt là về nguồn cung và các giao dịch. Trong quý III/2024, nguồn cung trên thị trường đã được cải thiện, bao gồm cả phân khúc chung cư, nhà gắn liền với đất, biệt thự và nhà liền kề.
Ông cũng cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực, đã có nhiều dự án BĐS mới được triển khai và mở bán, tạo thêm nguồn cung mới cho thị trường và mang lại cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp và địa phương.
>> Dân chật vật không thể mua nhà, BĐS thành ‘sân chơi’ của giới đầu cơ
https://nguoiquansat.vn/chu-tich-vars-thi-truong-khan-hiem-phan-khuc-chung-cu-binh-dan-la-dieu-bat-thuong-166308.html