Khi trầm tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm, trầm hương chính hiệu khai thác từ dó trồng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, là lúc trầm hương công nghệ ra đời. Làng Trung Phước, xã Quế Trung, H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, được coi là “thủ phủ” trầm công nghệ của cả nước.
THÂM NHẬP “THỦ PHỦ” TRẦM CÔNG NGHỆ
Từ TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đi ô tô gần 2 tiếng chúng tôi đến Trung Phước. Dọc con đường ngang qua TT.Trung Phước có thể bắt gặp những cơ sở sản xuất trầm hương, trong đó có hàng công nghệ. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi lên xóm Cầu Vồng, nơi có nhiều cơ sở sản xuất trầm hương quy mô “hoành tráng”. Vừa đến nơi đã ngửi thấy mùi hương trầm phảng phất. Thấy một người đang ngồi trong hiên nhà, phết thứ nước màu đen đặc quánh lên một khúc gỗ, chúng tôi vào tìm hiểu.
Người đàn ông này cho biết đang “bo” dầu trầm vào khối trầm để bán. Chúng tôi hỏi sản phẩm đang làm có phải là trầm công nghệ hay không, người đàn ông trả lời: “Hàng trầm cảnh đây nhưng mình dùng tinh dầu trầm để phết vô cho nó thơm hơn, gọi là hàng công nghệ cũng được. Nhưng đúng hàng công nghệ thì còn tinh vi hơn nhiều. Có thể biến khúc dó ít trầm, hoặc không có trầm thành hàng trầm chìm”. Chúng tôi hỏi: “Chắc thứ dầu này có kết hợp hóa chất với tinh dầu trầm?” thì ông “hứ” một tiếng, rồi nói: “Có mô. Dầu trầm không chứ không có hóa chất chi hết. Ký dầu trầm bữa ni cũng 2 triệu mấy hoặc 3 triệu đồng rồi. Làm xong cục trầm cảnh ni tui bán 7 – 8 triệu đồng”.
Ngửi rõ mùi thơm khá đậm tỏa ra xung quanh, chúng tôi tò mò hỏi thêm liệu tiếp xúc với mùi dầu như vậy thường xuyên có ảnh hưởng đến sức khỏe không, thì ông chủ khối trầm khẳng định: “Nếu ảnh hưởng sức khỏe thì cả làng ni chết hết trơn rồi. Trong giới làm trầm không có ai ung thư hết. Hay cái nớ! Viêm xoang, viêm họng nhẹ nhẹ là hết”.
Theo lời giới thiệu của người này, chúng tôi đến một cơ sở trầm hương rất lớn gần đó. Tại xưởng có hàng chục công nhân đang cần mẫn làm những công việc khác nhau. Một số người cũng dùng chất dầu đen đặc quánh quét lên những khúc gỗ đã được tạo hình dựng lên như dãy núi trùng điệp. “Đây là dầu trầm sánh, mình dùng để bo vô sản phẩm trầm cảnh”, một người gốc Huế tên Nguyễn A làm cho cơ sở này cho hay. Ông A chỉ tay về phía một thanh niên đang ngồi bên mấy chiếc nồi to tướng nói thêm: “Đó họ đang nấu trầm sánh để lấy dầu của nó ra rồi bo vô hàng ni đây. Thứ dầu nớ còn dùng để làm các mặt hàng trầm hương khác nữa. Tất cả các thứ gọi là ép dầu, nấu dầu hay bo dầu như rứa đều là hàng công nghệ”.
Anh quản lý cơ sở trầm hương đưa chúng tôi sang nơi đang xay nguyên liệu để phục vụ việc nấu dầu trầm. Anh cho biết nguyên liệu để nấu dầu là sánh dăm lấy từ dó “ngõ trong” (tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Thuận – PV) vì trầm sánh ở vùng này mùi thơm rất mạnh. Anh nói: “Đem sánh dăm về cho vào máy xay, rồi cho vào nồi nấu với cồn để lấy dầu trầm bo vào dó mình”. Tôi hỏi “dó mình” là dó gì, người này cho hay là loại dó ở Quảng Nam. Anh giải thích dó mình có đặc điểm mềm nên bo dầu bao nhiêu sẽ thấm bấy nhiêu còn dó các vùng khác “cứng ngắc nên bo dầu không vô”.
VUI BUỒN VỚI TRẦM CÔNG NGHỆ
Phần lớn các loại hàng thành phẩm, nhiều nhất là chuỗi hạt, vòng tay, trên thị trường hiện nay đều được làm bằng trầm công nghệ. Theo giới am hiểu trầm hương, các cơ sở sản xuất trầm công nghệ có công thức cơ bản giống nhau và mỗi nơi lại có thể có thêm công thức riêng để tạo ra trầm công nghệ nguyên liệu, rồi bán cho những người kinh doanh chế tác các sản phẩm khác nhau. Dầu để ép, bo vào hàng trầm công nghệ có thể là 100% dầu trầm rút từ cây dó bầu, sau đó ép vào gỗ dó. Cũng có thể là pha theo tỷ lệ giữa dầu dó bầu với dầu dó dây, dó ngọt, dó dằn. Tệ hơn là nấu dầu ô dước cùng các loại mùi hóa chất.
Công bằng mà nói những cơ sở sản xuất trầm hương công nghệ có uy tín đã góp phần đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường, cung cấp những sản phẩm trầm hương giá rẻ. “Nhìn chung trầm công nghệ không xấu. Việc xấu là những người bán sản phẩm trầm hương công nghệ nhưng lại nói là trầm hương thiên nhiên, tự nhiên để bán với giá trên trời”, một người kinh doanh trầm hương nhận xét.
Ông Dương Huy Hoàng, Tổng giám đốc của thương hiệu Trầm Đông Dương, cho biết: “Không ít người quan niệm trầm nấu dầu là hàng giả. Tuy nhiên, trầm là hàng giả chỉ khi người bán nói sai sự thật về sản phẩm. Nếu người bán nói đó là trầm nấu dầu và bán đúng giá trị sẽ giúp khách hàng có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn. Thực chất trầm nấu dầu cũng có những loại được làm từ nguyên liệu gỗ dó bầu có chứa phần nào hàm lượng tinh chất trầm nhất định”.
Thực tế, trong các giao dịch mua bán sản phẩm trầm hương trên mạng xã hội, rất ít người nói đúng sự thật là đang bán hàng công nghệ. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người tâm huyết kinh doanh trầm hương, hầu hết họ tỏ ra rất bức xúc khi trên mạng rao bán ì xèo các loại vòng được “tôn” lên thành vòng trầm tự nhiên chìm, cận chìm với giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng thật ra toàn là sản phẩm làm từ trầm công nghệ có giá trên dưới vài triệu đồng.
“Một sự thật rất đau lòng là rất nhiều người tới hỏi, nhờ tôi giám định hàng họ đã mua. Sau khi xem xét, tôi thấy những điều đáng tiếc. Họ đã mất rất nhiều tiền bạc để đổi lấy sự ấm ức và thất vọng”, một người am hiểu về trầm hương tên K.T chia sẻ về tình trạng lừa đảo, bán sản phẩm trầm hương công nghệ “đội lốt” trầm hương tự nhiên… (còn tiếp)
Nhận biết trầm công nghệ
Trầm hương công nghệ thường nặng hơn trầm hương thiên nhiên hoặc trầm hương khai thác từ dó trồng. Vân gỗ trầm hương công nghệ giống nhau. Chẳng hạn, vòng trầm công nghệ thì hầu như vòng nào cũng có màu đen đậm, có nhiều vết dầu loang lổ trên bề mặt, đeo lâu sẽ bị xì dầu ra, rít tay. Mùi hương trầm tự nhiên thơm rất nhẹ và lâu. Trong khi đó, mùi hương trầm công nghệ nồng, mạnh nhưng chỉ kéo dài được vài năm.
https%3A%2F%2Fthanhnien.vn%2Fthe-gioi-tram-ky-tram-cong-nghe-185241124155753129.htm