BNEWS
Thái Nguyên có nhiều tiềm lực để phát triển nhanh và mạnh hơn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, kinh tế – xã hội của các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
*Đóng góp thực chất từ khoa học công nghệ Là tỉnh trung tâm của vùng trung du Việt Bắc, Thái Nguyên có nhiều tiềm lực để phát triển nhanh và mạnh hơn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sự hội tụ của các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Thái Nguyên, cũng như sự mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Việt Đức cho biết, Sở đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng kịp thời các cơ chế chính sách, cụ thể hóa quy định về hoạt động khoa học và công nghệ của Trung ương sát với thực tế địa phương. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ của địa phương phát triển, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh. Công tác thẩm định công nghệ có nhiều tiến bộ, đã tham gia ý kiến về công nghệ đối với nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin thống kê khoa học và công nghệ, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Sở đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công Thương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Qua đó, nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh.Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hưởng ứng và triển khai quyết liệt; thu được nhiều kết quả nổi bật, tạo nên phong trào “Khởi nghiệp” lan tỏa, rộng khắp; từ đó tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Đến nay, Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành có Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 cao nhất toàn quốc; dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 địa phương, với 47,75 điểm. Kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh sự quyết tâm, đồng thuận và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Cũng theo ông Phạm Việt Đức, đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng cao. Giai đoạn 2021-2022, GRDP tỉnh đạt 50,4%, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 (đạt 35,4%), cho thấy, khoa học công nghệ thực sự là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế ứng dụng công nghệ vẫn còn những “rào cản” khiến việc đưa khoa học công nghệ vào đời sống còn hạn chế. Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, trở ngại lớn nhất chính là sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên vẫn chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, rất khó phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh chưa có nhiều mô hình có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ… Ngoài ra còn một “rào cản” lớn khác là việc người dân phần lớn chỉ ứng dụng kỹ thuật chứ chưa chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn ở mức thấp, lĩnh vực chế biến bảo quản ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển… Không chỉ riêng Thái Nguyên, những hạn chế này khá phổ biến ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. *Tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển Theo báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2022-2024, với lợi thế nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn, khu vực này được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững. Những năm qua, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả trong mọi lĩnh vực. Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành và chỉ số cải cách hành chính từng bước được cải thiện và nâng cao. Từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong vùng đã mở mới 494 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới. Riêng lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giai đoạn 2022-2024, các địa phương trong vùng đã tiếp nhận 3.049 đơn đăng ký bảo hộ; 1.509 văn bằng bảo hộ được cấp (dẫn đầu là Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên). Nhiều sản phẩm OCOP trong tỉnh đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu, phát triển thương mại và được công nhận từ 2-3 sao trở lên.Từ năm 2022 đến nay, có 4.092 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận. Một số sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trên toàn quốc. Nổi bật là Cao Bằng với 2.067 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; Tuyên Quang với 306 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; Bắc Giang với 280 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hoạt động sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm đặc sản của địa phương… Đánh giá vùng trung du và miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu, song Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhìn nhận đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Do vậy, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở các tỉnh trong vùng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thứ trưởng đề nghị, các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ. Cùng với đó, ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ địa phương; thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các địa phương cũng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
https%3A%2F%2Fbnews.vn%2Ftao-dau-an-tu-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao%2F354450.html