Sóng dài cổ phiếu công nghệ

Date:

Cổ phiếu FPT tăng 64% kể từ đầu năm 2024 sau khi tăng hơn 47% trong năm 2023

(ĐTCK)  Nhóm cổ phiếu công nghệ đã có đợt sóng tăng kéo dài từ đầu năm 2023 tới nay với mức tăng tính bằng lần và theo các chuyên gia, đà tăng này sẽ còn kéo dài.

Sóng lớn

Trong ba thập kỷ qua, kể từ khi có sự xuất hiện của internet, nhiều tập đoàn công nghệ ra đời và dần chiếm lĩnh bảng xếp hạng những doanh nghiệp có giá trị cao nhất thế giới. Quá trình hình thành các tập đoàn công nghệ tỷ đô, ngoài nhờ sự phát triển của công nghệ, còn nhờ thị trường chứng khoán với những con sóng lớn gắn với ngành này, trong đó đáng chú ý là bong bóng dotcom xảy ra vào cuối thập niên 1990.

Bong bóng này, theo Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bắt nguồn từ ngày 9/8/1995 khi Netscape Communications niêm yết cổ phiếu và bị vỡ vào ngày 10/3/2000 khi chỉ số Nasdaq đạt đỉnh cao nhất. Bong bóng dotcom đã góp phần cùng các nhân tố khác tạo nên sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ cuối thập niên 1990, thời kỳ mà nhiều người gọi là “Nền kinh tế mới”, còn Alan Greenspan gọi là “sự thịnh vượng bất thường”.

Sau khi bóng bóng dotcom bị vỡ, thị trường xuất hiện một số đợt sóng khác liên quan tới nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng không đáng kể, cho tới khi trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời, đặc biệt là sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022.

Sự xuất hiện của ChatGPT đã làm nhóm cổ phiếu bùng nổ khi nhóm Magnificent 7 (7 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ là Microsoft, Amazon, Apple, Nvidia, Alphabet, Meta và Tesla) đóng góp một nửa điểm số tăng trưởng của chỉ số S&P 500 trong năm 2023. Đặc biệt, Nvidia, công ty sản xuất chip phục vụ cho AI đã trở thành một hiện tượng lớn trên thị trường khi cổ phiếu tăng dựng đứng, đưa Nvidia từ một công ty tầm trung trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới, đạt đỉnh 3.530 tỷ USD vào ngày 25/10/2024. Riêng từ đầu năm 2024 tới cuối tháng 10, cổ phiếu này tăng gần 190%. Trong khi đó, OpenAI cũng tuyên bố không còn là tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời tiến hành vòng gọi vốn trị giá tới 6,6 tỷ USD, cho thấy sức hút lớn của lĩnh vực AI nói riêng và nhóm công nghệ nói chung.

Không nằm ngoài xu thế chung, nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, FPT ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 65% tính từ đầu năm 2024 sau mức tăng hơn 47% của năm 2023 và đang được giao dịch ở khoảng 136.000 đồng/CP (tính đến phiên 7/11), đưa vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam lên tới gần 200.070 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD), đứng thứ 3 thị trường sau VCB và VHM. Đây cũng chính là cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất đầu tư của các quỹ đầu tư.

Theo thống kê của Fmarket, kết thúc 3 quý đầu năm 2024, có tới 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng 13,98% của chỉ số VN-Index, trong đó 12 quỹ trong đó đạt lợi nhuận trên 20%. Hầu như các quỹ đầu tư đạt hiệu suất cao hơn đà tăng của VN-Index trong thời gian trên đều đang nắm giữ cổ phiếu FPT.

Tuy nhiên, mức tăng mạnh nhất phải kể đến VGI (Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel) với hơn 200% tính từ đầu năm. Cùng thời điểm, các cổ phiếu công nghệ khác cũng có mức tăng 2 con số như CMG (CTCP Tập đoàn CMC) tăng hơn 24%, ELC (CTCP Công nghệ – Viễn thông ELCOM) tăng hơn 27%, CTR (Tổng CTCP Công trình Viettel) tăng hơn 47%…

Vẫn còn dư địa

Có những thời điểm, nhóm cổ phiếu công nghệ cả trên thị trường quốc tế và trong nước bị chốt lời và quay đầu giảm mạnh, khiến các nhà đầu tư lo lắng về việc bong bóng dotcom phiên bản 2.0 bị vỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích lại không nghĩ vậy, bởi triển vọng của công nghệ AI đang phát triển không ngừng.

Theo khảo sát của Forrester, 91% các nhà hoạch định công nghệ toàn cầu có kế hoạch tăng chi tiêu cho công nghệ thông tin, trong đó hơn một nửa dự kiến tăng trưởng sẽ vượt 5% – cao hơn tỷ lệ lạm phát. Forrester dự báo, trong giai đoạn 2023 – 2028, nền kinh tế số sẽ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 6,9%/năm trong bối cảnh xu hướng AI vẫn đang bùng nổ mạnh mẽ.

Còn trong báo cáo mới nhất của Gartner dự đoán, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin trong năm 2024 sẽ trở thành lĩnh vực chi tiêu lớn nhất trong ngành công nghệ thông tin, đạt 1.501 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu. Bên cạnh đó, chi tiêu cho phần mềm dự kiến sẽ tăng 12,6%, đạt 1.096 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Fortune Business Insight, thị trường AI tạo sinh toàn cầu, trị giá 43,87 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ đạt 967,65 tỷ USD vào năm 2032, với CAGR 39,6%, trong đó Bắc Mỹ chiếm 49,78% thị phần. Tương tự, các chuyên gia của PwC cho rằng, AI đang trở thành cơ hội thương mại lớn nhất trong nền kinh tế thay đổi nhanh chóng hiện nay.

Theo ông Trần Lâm Tùng, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm công nghệ thông tin được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong giai đoạn quý IV/2024 và năm 2025. Nguyên nhân là bởi, năm 2024, nhu cầu AI tạo sinh bùng nổ với doanh thu trên thế giới được kỳ vọng sẽ đạt 137 tỷ USD, tăng 104% so với năm ngoái. Xa hơn nữa, trong giai đoạn từ 2024 – 2030, doanh thu của AI tạo sinh sẽ đạt CAGR 37%/năm. Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp và chính sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ rõ ràng hơn sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số.

Trong đó, FPT sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng AI, dịch chuyển lưu trữ, xử lý dữ liệu trên các nền tảng đám mây tại Nhật Bản, APAC và Mỹ với số lượng hợp đồng ký mới được kỳ vọng tăng hơn 22%. Không chỉ vậy, FPT còn được hưởng lợi nhờ lợi thế giá thành sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh mà vẫn đảm bảo nhu cầu của khách hàng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, trong 9 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu ký mới của FPT đã cán mốc 1 tỷ USD (đạt 25.121 tỷ đồng), tương ứng mức tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và APAC. FPT cho biết, đang tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 33 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, FPT vẫn là cổ phiếu hàng đầu cho đầu tư dài hạn với CAGR lợi nhuận ròng 22% trong 2024 – 2026 và tăng trưởng tiềm năng nhờ xu hướng AI. Tuy nhiên, theo MBS, sự cạnh tranh từ các đối thủ Ấn Độ là thách thức lớn đối với FPT về khả năng giành thị phần toàn cầu. Trong khi trong nước, FPT cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hai đại gia Viettel và VNPT. Để cạnh tranh, FPT cần tăng cường chi tiêu cho việc nâng cấp hạ tầng và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng để mở rộng thị phần, điều này sẽ dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao.

Với CTR, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh thu hơn 9.141 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 483,5 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu thị trường trong nước chiếm 82% và thị trường nước ngoài đóng góp 18%. Theo nhận định của BSC, CTR sẽ được hưởng lợi lớn từ nhu cầu thuê/đầu tư trạm kỳ vọng bùng nổ trong quý IV/2024 và năm 2025 nhờ Tập đoàn Viettel đẩy mạnh phủ sóng tần số mạng 4G và 5G sau khi thực hiện đóng mạng 2G và 3G.

Còn theo MBS, trong giai đoạn 2019 – 2024, CTR duy trì tốc độ GAGR doanh thu đạt 20% và lợi nhuận sau thuế gần 25,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng vốn hóa gần 11%. MBS cho rằng, dư địa tăng trưởng vốn hóa trong dài hạn của CTR còn nhiều để bắt kịp GAGR của lợi nhuận sau thuế gần 17% cho giai đoạn 2025 – 2030.

Với CMC, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới được tổ chức, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, đang tiếp tục với lộ trình thực hiện chiến lược tới năm 2028 trở thành doanh nghiệp số toàn cầu với quy mô 10.000 – 15.000 nhân sự. Mục tiêu doanh thu năm tài chính 2024 (1/4/2024 – 31/3/2025) của CMC là 8.824 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với 2023; lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế và chi phí khấu hao (EBITDA) là 1.095 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm tài chính 2023. Trong báo cáo tài chính quý II năm tài chính 2024 mới được công bố, trong nửa đầu năm, doanh thu của CMC đạt 3.461 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Hiện CMC là đối tác quan trọng của các hãng lớn trên thế giới như Microsoft, Google, Meta, Nvidia, AWS…, đồng thời đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình “Go Global” của Tập đoàn khi vừa ra mắt MC Korea. Thời gian tới, CMC cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại những khu vực công nghệ trọng điểm của thế giới như Mỹ và châu Âu.

.



https%3A%2F%2Fwww.tinnhanhchungkhoan.vn%2Fsong-dai-co-phieu-cong-nghe-post357713.html

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related