Theo Taiwan High Speed Rail, năm 1999, đường sắt cao tốc đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) chính thức được khởi công. Đáng chú ý, trước khi Đài Loan quyết định chọn công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản cho tuyến đường sắt cao tốc của mình, các quốc gia như Pháp, Đức và Tây Ban Nha cũng từng ngỏ ý tham gia cung cấp công nghệ và hỗ trợ xây dựng dự án này.
Cụ thể, Pháp đã đề xuất công nghệ tàu cao tốc TGV, Đức cũng đã giới thiệu hệ thống ICE (InterCity Express), công nghệ tàu cao tốc hàng đầu của họ và Tây Ban Nha cũng đã đưa ra một số đề xuất, dựa trên kinh nghiệm phát triển hệ thống tàu cao tốc AVE của mình.
Cuối cùng, Đài Loan đã lựa chọn công nghệ Shinkansen của Nhật Bản cho tuyến đường sắt cao tốc (THSR) sau khi xem xét nhiều yếu tố, bao gồm an toàn, khả năng hoạt động trong điều kiện động đất và uy tín công nghệ.
Năm 2007, Đài Loan đã chính thức hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc dài 345km giữa TP Đài Bắc và TP Cao Hùng với tổng vốn đầu tư lên tới 18 tỷ USD, theo đó thời gian di chuyển chỉ còn 90 phút. Với năng lực vận chuyển trên 300.000 hành khách mỗi ngày, từ năm 2007 đến nay, tuyến đường sắt cao tốc đã vận chuyển gần 600 triệu lượt hành khách.
Theo kế hoạch, Đài Loan quy hoạch khoảng 500ha đất đô thị và thương mại quanh mỗi nhà ga. Sau khi tuyến đường sắt cao tốc hoàn thành, các khu vực này trở thành trung tâm sầm uất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Cùng với đó, Đài Loan đã giải quyết hiệu quả khâu phức tạp nhất – giải phóng mặt bằng – bằng cách đưa ra hai lựa chọn: người dân có thể bán đất theo giá nông nghiệp hiện hành hoặc giao đất và nhận lại 40% diện tích đất đô thị sau quy hoạch. Kết quả là 100% người dân chọn phương án thứ hai.
Đài Loan dành 20% đất đô thị cho công trình công cộng, 40% bán đấu giá để lấy kinh phí xây dựng. Do đó, dự án đường sắt cao tốc hoàn thành với chi phí ngân sách là 0 đồng.
Hệ thống đường sắt cao tốc Đài Loan áp dụng theo hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật. Thiết kế các bộ phận chi tiết, hệ thống điện cơ, hệ thống biển báo đều theo tiêu chuẩn châu Âu. Đường ray được thiết kế theo tiêu chuẩn khoảng cách 1.435 mm. Trung tâm quản lý vận hành tàu cao tốc được đặt tại ga tàu cao tốc Đào Viên (TP Đào Viên).
Về tàu cao tốc, Công ty TNHH Cổ phần Đường sắt cao tốc Đài Loan sử dụng tàu 700T được cải tiến từ tàu 700-E Shinkansen của Nhật. Tàu có tốc độ thiết kế cao nhất là 300 km/giờ. Tàu gồm 12 toa, trong đó có một toa thương mại (66 chỗ) và 11 toa tiêu chuẩn (923 chỗ). Tất cả ghế ngồi đều có thể xoay 180o. Trọng tải của tàu khi không có khách khoảng 503 tấn.
Về công nghệ HSR (Shinkansen) của Nhật Bản, đây là công nghệ đường sắt cao tốc nổi tiếng trên toàn thế giới. Tàu Shikansen có hình dáng mũi dài, được thiết kế giúp giảm sức cản của không khí, còn có các vấn đề khác như giảm áp suất khí quyển trong các đoạn đường hầm, biện pháp khắc chế sự rung lắc của phần đuôi, môi trường điều khiển của nhân viên lái tàu phải có được sự đảm bảo về tầm nhìn bao quát.
Về đường ray, công nghệ HSR sử dụng đường ray đặc biệt với khoảng cách giữa các thanh ray khác biệt so với đường ray thông thường, giúp giảm ma sát và tăng tốc độ. Cùng với đó, hệ thống tàu sử dụng hệ thống định vị vệ tinh và cảm biến để theo dõi và điều chỉnh tốc độ, giúp đảm bảo an toàn và chính xác.
Một hệ thống kiểm soát tàu tự động được áp dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách an toàn giữa các tàu, đồng thời ngăn không để tốc độ vượt quá giới hạn cho phép bằng cách dùng phanh tự động. Tất cả các tàu đều được giám sát và kiểm soát bằng các hệ thống vi tính kiểm soát giao thông.
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/quyet-tu-choi-phap-duc-chi-chot-cong-nghe-nhat-lam-duong-sat-cao-toc-18-ty-usd-va-bat-ngo-hoan-thanh-voi-0-dong-ngan-sach-65445.html
https%3A%2F%2Fcafebiz.vn%2Fquyet-tu-choi-phap-duc-chi-chot-cong-nghe-nhat-lam-duong-sat-cao-toc-18-ty-usd-va-bat-ngo-hoan-thanh-voi-0-dong-ngan-sach-176241004140752955.chn