Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và tình hình chính trị, kinh tế trong nước, quốc tế có những diễn biến khó lường, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh đã và đang phát huy năng lực, hiệu quả quản lý điều hành nền kinh tế trong tình hình mới.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại tỉnh đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tổng thể các thành phần kinh tế.
Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh trên hệ thống http://duongdaynong.vinhphuc.gov.vn.
Duy trì, thực hiện tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển ổn định.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, giấy tờ liên quan; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, giảm chi phí gia nhập thị trường… cho doanh nghiệp.
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc đón đầu những nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thường xuyên đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh.
Nhờ đó, tình hình KT – XH của tỉnh từ đầu năm đến nay đã và đang phục hồi tích cực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế.
9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 37.340 tỷ đồng, tăng 5,02% so với cùng kỳ và tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12.560 tỷ đồng, tăng 2,37% so với cùng kỳ.
Dự kiến đến hết năm 2024, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 62,5%, khu vực dịch vụ chiếm 31% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,5% tổng giá trị tăng thêm.
Nhờ nâng cao năng lực điều hành của nền kinh tế, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 70 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Dell và một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple…
Đồng thời hình thành một số doanh nghiệp nội làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Cosmos, Á Mỹ, CNC… sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NorthStar Precious; Sojit, Kraft Vina… quan tâm, đầu tư vào tỉnh thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao… với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu về phát triển KT-XH năm 2025 như GRDP tăng từ 8,5 – 9,5%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành… UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tập trung kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước các ngành, lĩnh vực như đất đai, môi trường, đô thị, tài chính ngân sách, đầu tư, phòng cháy, chữa cháy… gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.
Rà soát loại bỏ hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền loại bỏ những thủ tục hành chính, quy định không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đầu tư đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng liên thông và đa mục tiêu nhằm cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.