Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc Sở KH&CN với hoạt động thực nghiệm, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN tiên tiến, các kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN… phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về KH&CN của Trung tâm đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển KH – XH địa phương.
Là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, lựa chọn, khảo nghiệm và tổ chức ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển KH – XH trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN vào sản xuất; tạo giống mới có năng suất, chất lượng tốt trong sản xuất nông, lâm nghiệp cung ứng cho nông dân đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Trung tâm đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống một số cây nông nghiệp như: lan kim tuyến, keo lai, chuối, mía…; sản xuất nấm đông trùng hạ thảo; sản xuất nấm giống và nấm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Làm chủ một số quy trình công nghệ chế biến sau thu hoạch như: sản xuất thử nghiệm trà giảo cổ lam, trà mướp đắng rừng, trà bí thơm Thạch An, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, bột nghệ các loại, tinh bột nghệ, mác mật khô, nấm mục nhĩ khô, nấm linh chi khô; trồng thử nghiệm một số mô hình tại Trung tâm: mô hình cây dược liệu dưới tán rừng (lan kim tuyến, giảo cổ lam 7 lá, cây lạc tiên, mướp đắng rừng….); mô hình trồng nấm thương phẩm chất lượng cao (nấm rơm, nấm mục nhĩ, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo…).
Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2020, Trung tâm ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu Lâm sinh; năm 2022 ký kết chương trình phối hợp với Viện Ứng dụng Công nghệ, Viện nghiên cứu và Phát triển vùng. Kết quả, năm 2022, Trung tâm Sinh học thực nghiệm – Viện Ứng dụng công nghệ chuyển giao thành công quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho Trung tâm. Viện Ứng dụng Công nghệ tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu lan kim tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng; “Nghiên cứu công nghệ sơ chế và bảo quản hạt dẻ Trùng Khánh Cao Bằng”; Trung tâm Công nghệ vi điện tử và Tin học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ tham gia triển khai Dự án “Xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng”. Viện Ứng dụng Công nghệ phối hợp đề xuất 2 nhiệm vụ cấp quốc gia thực hiện trên địa bàn tỉnh “Nghiên cứu thiết kế, xây dựng hệ thống số hỗ trợ giám sát, quản lý và điều hành các hoạt động du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó”; “Nghiên cứu phát triển vừng ngà hoóc (Perrill frutescens L) giàu omega 3 làm nguyên liệu tạo ra sản phẩm OCOP tại tỉnh Cao Bằng”; Viện Nghiên cứu Lâm sinh tích cực triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm phát triển các loại cây dẻ, mác ca, dổi…, góp phần phát triển KT – XH địa phương.
Năm 2022, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng tham gia chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở về “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu cát sâm (Callerya speciosa Champ. ex Benth. Schot) tại tỉnh Cao Bằng” với tổng kinh phí thực hiện 400 triệu đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách KH&CN địa phương. Năm 2024, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đăng ký tham gia chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về “Xây dựng vườn bảo tồn nguồn gen cây thuốc bản địa quý hiếm của Cao Bằng tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng”, thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2026. Viện đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai 1 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2024, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây trúc sào ở vùng trung du và miền núi phía Bắc”, trong đó Cao Bằng là địa phương triển khai chính.
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, như: Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Vịt cỏ Trùng Khánh”; Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp Ong Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”; Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Án Lại cho sản phẩm miến dong của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng”; chuẩn bị bước đầu triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng, sơ chế cây giảo cổ lam đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại tỉnh Cao Bằng”.
Trung tâm tiếp tục khắc phục những khó khăn, bất cập, phát huy lợi thế sẵn có, phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã ký kết, nghiên cứu mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, các viện, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu có uy tín ở trong nước và các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, trên cơ sở bám sát quan điểm, định hướng về phát triển Trung tâm đến năm 2030. Phấn đấu đưa Trung tâm dần trở thành tổ chức KH&CN mạnh về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, là nơi lưu giữ nguồn gen các loại giống cây bản địa đặc sản quý hiếm, có giá trị cao của tỉnh.
Lương Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ
https%3A%2F%2Fbaocaobang.vn%2Fnang-cao-hieu-qua-nghien-cuu-ung-dung-cua-trung-tam-ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-3172596.html