Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng

Date:

Vàng là vấn đề đau đầu của thế giới

Sáng nay (11/11), phát biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, sự chênh lệch giữa vàng miếng thế giới và Giá Vàng thế giới nói lên thị trường chưa thực sự ổn định, thiếu tính bền vững, chịu tác động bởi tâm lý kỳ vọng.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông).

Theo đại biểu Mai, thị trường vàng đang tiềm ẩn rủi ro, tác động đến thị trường tiền tệ ngoại hối. Vì vậy các loại vàng đua nhau lập đỉnh làm cho người muốn sở hữu thì hoa mắt chóng mặt, các cơ quan quản lý thì không khỏi đau đầu.

“Xin Thống đốc cho biết giải pháp nào để người dân yên tâm ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng để dành nguồn lực cho phát triển đất nước? Tôi đánh giá tích cực việc kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới trong thời gian gần đây. Nhưng xin hỏi khi kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới thì ai được hưởng lợi, ai sẽ thiệt khi đã mua vàng SJC?”, ông Mai nói.

Trả lời nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vàng hiện nay cũng là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá vàng quốc tế là 2.300-2.400 USD/ounce đến bây giờ đã trên 2.700 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng hơn 50%.

Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp để ổn định với mục tiêu đưa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống. Qua đó không khuyến khích chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, bởi trên thực tế để chênh lệch tăng cao thì dễ xảy ra hiện tượng nhập lậu vàng.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

“Chúng tôi đã can thiệp đưa mức chênh còn 3-4 triệu đồng/lượng. Giá vàng vẫn biến động tăng giảm, chưa thực sự ổn định do yếu tố khách quan của kinh tế thế giới. Giá vàng còn rất phụ thuộc vào các biến số của thị trường tài chính thế giới từ lãi suất, tỷ giá, giá dầu.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và phải căn cứ vào mục tiêu của chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét các giải pháp can thiệp”, bà Hồng nói.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

“Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu Hương nói.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang).

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý, và có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các bộ ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an.

“Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức can thiệp vàng thì đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp”, bà Hồng cho biết.

“Vàng nằm im trong dân là vàng chết”

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho biết, tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước xác định một tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng là chưa khuyến khích người dân bán vàng để chuyển hóa thành VND và để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 4.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình).

“Vàng nằm im trong dân là vàng chết trong khi nhu cầu vốn sản xuất hiện nay là rất lớn. Vậy trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?”, bà Thanh nêu câu hỏi.

Trả lời chất vấn này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chủ trương của Chính phủ là chống vàng hóa, đô la hóa, trong đó, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, đặc biệt là vàng miếng vì đây là mặt hàng có giá trị cao.

“Bởi vì nếu không chảy vào vàng, lượng tiền đấy có thể được gửi vào các ngân hàng hoặc vào các kênh đầu tư khác, từ đó tăng thêm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, Nhà nước buộc phải độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và có những quy định quản lý chặt chẽ về hoạt động mua bán vàng miếng”, bà Hồng cho hay.

Trên thực tế, có không ít quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều giải pháp để khuyến khích người dân không mua vàng. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang thiết kế các giải pháp để hạn chế được sự nắm giữ vàng của người dân.

“Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là theo chủ trương chống vàng hóa, làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư và đầu cơ. Còn về mặt tích lũy, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp đánh giá và cung ứng ra thị trường sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân”, bà Hồng nói.

Có trường hợp mua nhẫn cưới thôi cũng khó

Tham gia chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đồng tình với nhiều đại biểu và cho rằng, đã đến lúc quản lý vàng theo nguyên tắc thị trường, để Nhà nước, Chính phủ không phải đau đầu đối với vấn đề vàng miếng.

Nêu thực trạng Nghị định 24 không cấm các doanh nghiệp nhập nguyên liệu để làm vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng chúng ta vẫn đang cấm, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, tư duy này đang vi phạm nguyên tắc không quản được thì cấm và ảnh hưởng ngay đến quyền lợi của người dân, khiến thực tế có những gia đình đi tìm mua nhẫn cưới thôi cũng khó.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 5.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Cho rằng vấn đề này rất bất cập, đại biểu An đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm có nên để các doanh nghiệp làm trang sức, mỹ nghệ được nhập vàng để phục vụ người dân, phục vụ nền kinh tế và ta thu được thuế.

Liên quan đến thị trường vàng, đại biểu cho rằng đã đến lúc dùng những công cụ khác mang tính vĩ mô hơn như thuế để quản lý.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An về sửa đổi Nghị định 24 đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, Thống đốc NHNN cho biết tại Nghị định 24 có quy định về cách thức quản lý đối với thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ.

Vàng trang sức mỹ nghệ hiện nay quản lý là Ngân hàng Nhà nước cấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng, cấp phép chứng nhận các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 6.

Toàn cảnh nghị trường.

Đây là kinh doanh có điều kiện thì các doanh nghiệp sẽ tự kinh doanh, nhưng đầu vào của vàng trang sức, mỹ nghệ phải nhập khẩu và có thể mua, bán trên thị trường trong nước.

Đối với nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập khẩu nhưng vì theo quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu nên trong Nghị định 24 quy định rất rõ tùy theo mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ mà có quyết định về sản xuất hay xuất, nhập khẩu vàng miếng.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) cũng băn khoăn liệu hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng hay chưa?

Và theo ông, liệu Ngân hàng Nhà nước có nghiên cứu và dự kiến phát triển các hình thức giao dịch vàng phi vật chất không? Ví dụ, như sàn vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý, vận hành, đảm bảo sự liên thông thị trường trong nước và quốc tế cũng như khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh tài sản khác, tránh việc vàng hóa thị trường thay cho đôla hóa trong thời gian vừa qua.

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 7.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đối với câu hỏi thứ hai của đại biểu Lê Thanh Hoàn, bà Hồng cho hay Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết.

Lấy ví dụ tại Trung Quốc, bà Hồng cho biết, ở giai đoạn đầu nước này độc quyền, ngân hàng trung ương độc quyền hoàn toàn về vấn đề liên quan đến mua, bán vàng miếng. Trong một giai đoạn sau thì sẽ trao lại cho các ngân hàng thương mại nhà nước của Trung Quốc rồi mới đến thành lập sàn vàng.

“Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Trung Quốc hay một số nước như Ấn Độ có sàn vàng thì có những điều kiện kinh tế khác biệt với chúng ta. Chúng tôi sẽ cân nhắc ý kiến của đại biểu và phân tích, lập luận, tham mưu trong quá trình hoàn thiện Nghị định 24”, bà Hồng nói.

Đang sửa Nghị định 24 tập trung tới xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng

“Chia lửa” với Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng hay giảm sẽ liên quan trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ngân sách của nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. 

Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng- Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất tốt, hợp lý. 

Chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý nên kết quả đạt được trong thời gian qua tốt, vượt thu ngân sách tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.

Thực hiện chính sách tiền tệ, chúng ta đã giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 800 ngàn tỷ; chúng ta giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam; xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng và ổn định hệ thống, phục vụ cho nền kinh tế rất tốt.

Về quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng, Phó Thủ tướng nêu rõ, đối với việc quản lý hóa đơn vàng, thực hiện Nghị định 123 ngày 9/10/2020 của Chính phủ và Thông tư 78 ngày 02/5/2003, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 05 văn bản để hướng dẫn kê khai và nộp thuế, nên việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp bán vàng, các cửa hàng bán vàng không có vấn đề khó khăn và vướng mắc.

Về chất vấn của đại biểu, liên quan đến vấn đề xử lý, có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và tạm đình chỉ vì không chứng minh được nguồn nguyên liệu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu. Nếu không chứng minh được vàng lậu thì không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Nghị định 24, trong đó quan tâm đến xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng.

Ưu đãi thuế để hàng trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất; khi bán ra tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu.

Đối với vấn đề quản lý vàng được đại biểu nêu, Phó Thủ tướng cho biết, có tình trạng vàng miếng tăng 18 triệu/lượng (25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Về giải pháp sắp tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và công ty; tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy thị trường vốn phát triển…

https%3A%2F%2Fwww.baogiaothong.vn%2Fmoi-bo-cong-an-theo-doi-thi-truong-vang-va-khong-khuyen-khich-nguoi-dan-giu-vang-192241111114452771.htm

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related