Vừa qua, lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9-2024, tỉnh này đón khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến lưu trú, trong đó khách Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 500.000 lượt.
Theo đánh giá của Sở Du lịch Khánh Hòa, dù đã tăng cao so với năm 2023 nhưng lượng khách từ thị trường 1,4 tỉ dân vẫn rất thấp so với trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Nguyên nhân khách Trung Quốc giảm mạnh
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nam, Giám đốc công ty lữ hành chuyên về khách Trung Quốc: “Công ty chúng tôi đã tham gia hàng chục cuộc xúc tiến đầu tư thị trường khách Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong muốn. Từ giữa năm 2024, doanh nghiệp phải chuyển hướng sang các thị trường khác để duy trì.”
Tương tự, nhiều doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc cũng lâm vào cảnh hoạt động cầm chừng vì lượng khách này giảm mạnh.
“Thời điểm đầu năm 2024, hàng trăm chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Cam Ranh khiến nhiều doanh nghiệp chuyên đón dòng khách này vui mừng. Tuy nhiên, càng về sau số chuyến bay giảm dần, đến nay còn rất ít. Ngoài ra, số khách đến từ Trung Quốc không còn thuần túy như trước mà đã có sự thay đổi cả về chất và lượng”- bà Hải Nam thông tin thêm.
Theo lãnh đạo Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, hiện có bảy hãng hàng không đang khai thác các chuyến bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh.
Thống kê cho thấy, trong khoảng từ tháng 2 đến 5-2024, trung bình mỗi ngày có 13-15 chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc đến Sân bay quốc tế Cam Ranh. Sang tháng 6, số chuyến bay này giảm xuống còn khoảng 8 chuyến/ngày.
Chẳng hạn, hãng hàng không Vietjet, từ đầu mùa hè đến nay, số chuyến bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh của hãng đã giảm hơn một nửa, hiện chỉ còn 1-2 chuyến/ngày.
Trước đó vào năm 2019, Sở Du lịch Khánh Hòa từng thông tin tỉnh này đón lượng du khách khủng đến từ thị trường Trung Quốc, tương đương hơn 2,5 triệu lượt, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến địa phương này.
Thích nghi để đón đầu khách quốc tế
Theo một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, sau dịch COVID-19, khách du lịch Trung Quốc có sự thay đổi rất lớn. Ngoài chính sách du lịch của chính quyền sở tại, tâm lý đi nghỉ dưỡng của du khách cũng thay đổi.
Trước dịch, số lượng khách đến Nha Trang – Khánh Hòa thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, dòng khách này hiện đang gặp khó khăn về kinh tế khiến họ thay đổi thói quen đi du lịch. Thay vì chọn du lịch nước ngoài, họ đi các tour trong nước để tiết kiệm và cũng phù hợp với chính sách du lịch của chính quyền Trung Quốc.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, đánh giá: “Có một thực tế phải nhìn thẳng là sau dịch khách Trung Quốc đến Việt Nam nói chung, đến Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng chủ yếu là để lao động chứ không phải đi du lịch. Điều này lý giải vì sao dòng khách này đến nước ta không ồ ạt như trước kia.”
Tuy nhiên theo ông Nhựt, điều này chưa chắc là bất lợi cho ngành du lịch. “Khi một dòng khách này giảm buộc các doanh nghiệp lữ hành phải chuyển hướng đầu tư, xúc tiến để tìm kiếm một thị trường khác. Thực tế là thời gian qua ngành du lịch cũng như hiệp hội đã định hướng để các doanh nghiệp tìm kiếm, đa dạng thị trường khách quốc tế, không chú trọng một dòng khách chủ lực nào” – ông Nhựt nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, hiện Hàn Quốc đang là dòng khách chủ đạo của du lịch Khánh Hòa. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ đơn vị quản lý đã tính phương án xúc tiến nhiều thị trường khác để đa dạng khách đến.
“Không phủ nhận khách Hàn Quốc đến Nha Trang – Khánh Hòa đã tạo cú hích cho ngành du lịch địa phương. Thói quen của dòng khách này là cứ 3-5 năm lại di chuyển nơi đến một lần. Do vậy, bài toán đặt ra là cần có phương án, đối sách để làm sao không bất ngờ như giai đoạn đón khách Trung Quốc ồ ạt” – ông Nhựt lưu ý.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, trong bối cảnh thị trường khách Trung Quốc phục hồi chậm sẽ rất khó để có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong năm 2024. Dù tăng trưởng chậm nhưng so với năm 2023, lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang – Khánh Hòa vẫn tăng.
Khánh Hòa xác định đa dạng thị trường khách quốc tế là tiêu chí để phục hồi, phát triển bền vững ngành du lịch. Do đó, một mặt vẫn tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch ở thị trường Trung Quốc, mặt khác tổ chức xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiềm năng, như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản…
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa
Cũng theo bà Thanh, song song với việc đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Khánh Hòa cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp chung tay xây dựng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu du khách, trong đó có khách Trung Quốc. Đồng thời có chính sách để kích cầu du lịch nói chung và thị trường khách Trung Quốc nói riêng.
Theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã vượt tổng số khách quốc tế mà nước ta đón của cả năm 2023 (12,6 triệu lượt).
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, với 3,3 triệu lượt, chiếm 26,5%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai khi đạt 2,7 triệu lượt, chiếm 21,3%. Chỉ tính riêng hai thị trường này đã đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng đã qua.
Đứng thứ ba là Đài Loan với 954 ngàn lượt khách, tiếp đến là Hoa Kỳ 579.000 lượt, Nhật Bản 529.000 lượt, Malaysia 357.000 lượt. Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn có Úc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan.
https://plo.vn/ly-do-khach-trung-quoc-den-nha-trang-giam-manh-post813682.html