Luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Date:

Đây là những nội dung được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật: Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Thuế thu nhập cá nhân; Dự trữ quốc gia; Xử lý vi phạm hành chính, vừa được Quốc hội thông qua chiều 29/11.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Luật quy định 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gồm:

Luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán - 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật (Ảnh: Hồng Phong).

1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

2. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

3. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán;

4. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

5. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

6. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán”.

Với Luật Kiểm toán độc lập, tại Điều 60 quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu các biện pháp quản lý Nhà nước.

Nếu gây thiệt hại, tổ chức, cá nhân vi phạm phải bồi thường.

Mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.

Luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh: Hồng Phong).

Chủ nhiệm Ủy ban – Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở mức xử phạt hành chính, bảo đảm tính răn đe. Bên cạnh đó, có ý kiến góp ý chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm, do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Mạnh cho biết mức phạt tiền trên là tối đa và chỉ áp dụng với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, có thể xem xét quy định như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động cụ thể và có mức xử phạt hợp lý đối với từng hành vi như ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn.

https://dantri.com.vn/xa-hoi/luat-hoa-6-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-20241129151554829.htm

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related