(PLO)- Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nghiêm cấm hành vi cung cấp triển khai, sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo, phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, quyền con người, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân…
Sáng 23-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.
Việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số, góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phó Thủ tướng cho hay dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, với 73 điều; trong đó có một chương quy định về trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Phó Thủ tướng, AI là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
“AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế”- Phó Thủ tướng nói.
Theo dự thảo luật, hành vi cung cấp, triển khai, sử dụng hệ thống AI nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo, phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, quyền con người, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Uỷ ban cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo luật.
“Ủy ban KHCN&MT thấy rằng tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI; đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI”- ông Huy nói.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước.
Ủy ban KHCN&MT cũng đề nghị quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan Nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ, nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết dự thảo luật đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước; phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số.
Dự thảo luật cũng quy định các chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số.
Nhất trí với sự cần thiết phải có những quy định về hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể, có tính vượt trội, khả thi; nghiên cứu ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn, ưu đãi thuế hợp lý.
Cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định cơ chế phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với các doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm của quốc gia.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số quy định về giới hạn thử nghiệm, cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng; cần nghiên cứu miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự trong hoạt động thử nghiệm, các hoạt động tiếp theo sau khi kết thúc thử nghiệm…
https%3A%2F%2Fplo.vn%2Fluat-cong-nghiep-cong-nghe-so-nghiem-cam-su-dung-tri-tue-nhan-tao-de-lua-dao-post821281.html