Lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển

Techconnect and Innovation VietNam 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST); tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Dự kiện sẽ thu hút từ 2.500 đến 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 đến 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng với không gian trình diễn công nghệ quy mô.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội.

Việt Nam đang triển khai Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó, KH&CN, ĐMST được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng dẫn lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy KH&CN, ĐMST làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi… đồng thời phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Chủ động tích cực tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. “Đây là định hướng quan trọng để chúng ta tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống”, Bộ trưởng nói.




Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.

Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của chúng ta đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy KH&CN và ĐMST.

Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm:

Trong đó, tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống ĐMST trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH&CN, ĐMST đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Tiếp theo là tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả và hội nhập: tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau trong và ngoài nước hỗ trợ để thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ĐMST tại các doanh nghiệp; mở rộng hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, ĐMST, đặc biệt là các đề án sửa đổi, bổ sung các luật đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ này, bảo đảm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi và đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN.




Được biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ KH&CN và ĐMST.

Việc ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và ĐMST có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động ngày một sâu rộng.

Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mặt khác, cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn đến sự gia tăng những biện pháp tăng cường bảo hộ, cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các nhân tố thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có các giải pháp cốt yếu về hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ để vượt qua những thách thức.

Sự kiện gồm các hoạt động chính: Chuỗi diễn đàn chuyên sâu về công nghệ: Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, xây dựng; Xúc tiến đầu tư công nghệ cao; Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ quy mô 200 doanh nghiệp.



https%3A%2F%2Fthanhtra.com.vn%2Fchinh-tri%2Fdoi-noi%2Flay-khoa-hoc-va-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-lam-dong-luc-chinh-cho-phat-trien-232372.html

Có thể bạn chưa xem

Bài viết cùng tác giả