Lão nông đam mê làm vườn mẫu

Date:

(QBĐT) – Khác với những nông dân trong vùng, ông Phạm Văn Thuận ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh) ngoài sở thích làm nông nghiệp còn có niềm đam mê với cây cảnh. Chính sở thích đặc biệt này đã giúp ông sở hữu khu vườn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn đạt các tiêu chuẩn về mô hình vườn mẫu trong nông thôn mới.

Đầu năm 2020, gác lại những chuyến vào ra ở miền Nam, vợ chồng ông Phạm Văn Thuận trở về quê với công việc làm vườn. Sau gần 5 năm, thành quả vợ chồng ông nhận được hôm nay là khu vườn mẫu với 1.000 gốc mai, hơn 400 gốc cây ăn quả và nhiều cây cảnh, bonsai có giá trị khác. Mỗi năm, khu vườn cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng.

Ông Thuận tâm sự: Trước đây khu vườn này là vùng đất cồn hoang vu, sau khi có chính sách dồn điền đổi thửa, vợ chồng ông được nhận 5.500m2 để sản xuất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, vợ chồng ông phải gửi lại ruộng vườn để vào Nam làm việc. Mỗi lần về quê, chứng kiến cảnh đất vườn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm không người chăm sóc. Không đành lòng, vợ chồng ông quyết định bỏ công việc trong Nam để về chăm sóc đất vườn.





Những cây duối được ông Phạm Văn Thuận dày công chăm sóc.
Những cây duối được ông Phạm Văn Thuận dày công chăm sóc.

Trở về quê, vợ chồng ông đắp đất, cải tạo lại đất cho khu vườn và đầu tư hết vốn tích cóp được để trồng mai và nhiều loại cây ăn quả khác. Vốn là người đam mê làm nông, nhất là việc chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, ông Thuận đã lặn lội vào Nam sưu tầm và tìm kiếm giống mai phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương để mang về trồng. Dành nhiều tâm huyết cho khu vườn, tuy nhiên công sức vợ chồng ông bỏ ra chưa nhận được “quả ngọt” thì cuối năm 2020, đợt lũ lịch sử đã nhấn chìm và cuốn trôi gần 700 gốc mai và cây ăn quả các loại. Khu vườn vừa bén đất xanh tươi bỗng chốc chỉ còn lại bãi đất trống. Thiệt hại gần 2 tỷ đồng, xót xa nhưng vợ chồng ông cũng đành động viên nhau khôi phục lại khu vườn của gia đình.

“Vợ chồng tôi bắt đầu vay mượn thêm ngân hàng, người thân để đầu tư lại vườn và mua lại 1.000 gốc mai. Ông nhà xem cây cảnh là niềm vui mỗi ngày, nên nhiều lúc ông quên ăn quên ngủ để làm đất, chăm bón, cắt tỉa cho những cây mai”, bà Phạm Thị Huệ, vợ ông Thuận cho biết. Hiện, hơn 1.000 gốc mai được ông dày công chăm bón và cắt tỉa với hy vọng, đợt Tết Nguyên đán sắp đến cây sẽ ra hoa để mọi người đến xem và tham quan. Những năm trước, các cây mai này đều cho hoa đẹp và được nhiều người đến mua tận vườn.

Ngoài đầu tư cho cây mai, qua nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, ông đã lựa chọn những cây ăn quả phù hợp cho giá trị kinh tế. Đến nay, khu vườn của vợ chồng ông có gần 400 gốc cây ăn quả gồm các loại: Mãng cầu Thái, mít, vải, xoài, ổi, bơ…




“Hiện nay, các vườn mẫu trên địa bàn tỉnh đều được các tổ chức hội hướng đến các tiêu chí, như: Vườn mẫu không chỉ đạt về tính thẩm mỹ, xanh, sạch đẹp mà phải cho hiệu quả kinh tế; phát triển vườn theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi… Mô hình vườn mẫu của ông Phạm Văn Thuận là một trong những mô hình vườn mẫu được hội lựa chọn hỗ trợ và xây dựng thành vườn mẫu quy mô, chất lượng. Vườn mẫu không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn cho hiệu quả kinh tế cao, rất đáng để cho các hội viên đến tham quan và học hỏi, qua đó nâng cao hiệu quả các mô hình vườn mẫu trên địa bàn”, ông Hoàng Văn Mịn, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết.

Nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với môi trường, các loại cây ăn quả và cây mai đều được vợ chồng ông chăm sóc theo hướng hữu cơ, kết hợp công nghệ tưới nước tự động. “Lúc trở về cải tạo và xây dựng vườn, xuất phát từ niềm đam mê trồng rau củ sạch của vợ và bản thân tôi cũng đam mê sinh vật cảnh nên vợ chồng tôi mong muốn rằng, bên cạnh việc làm vườn sao cho vừa sạch, vừa đẹp thì các cây trồng và rau củ quả trong vườn cũng phải sạch, không có thuốc trừ sâu, an toàn cho môi trường và người sử dụng. Chính vì vậy, toàn bộ cây trồng canh tác trong vườn đều theo phương pháp hữu cơ”, ông Phạm Văn Thuận cho hay. Để có phân bón cho cây trồng, vợ chồng ông sử dụng phân bò, cỏ tươi… ủ và xử lý, sau đó sử dụng để bón cho các loại cây trong vườn.

Cùng với việc sản xuất theo hướng hữu cơ, để tăng năng suất cây trồng và giảm sức lao động, vợ chồng ông đã áp dụng phương pháp tưới nước tự động công nghệ cao vào sản xuất. Với sự quan tâm của Hội Làm vườn huyện và tỉnh, gia đình ông được đầu tư gần 20 triệu đồng để hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu nước tự động.

Để thỏa đam mê về bonsai, cây cảnh, trong vườn ông còn dành một ít diện tích để trồng thêm 20 cây duối và nhiều cây cảnh các loại. Giới thiệu những cây duối được cắt tỉa với nhiều hình thù đẹp mắt ông Thuận cho hay: “Những cây này nhiều người đến tham quan rất thích và trả tôi giá cao nhưng tôi chưa muốn bán. Để có những cây cảnh giá trị, kiểu dáng đẹp mắt này, tôi đã cất công, lặn lội đi khắp các huyện trong tỉnh như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch… để sưu tầm các cây và mang về trồng. Lúc đầu cây có hình dạng bình thường nhưng qua thời gian chăm sóc, cắt tỉa dần dần cây có các hình thù đẹp mắt, ý nghĩa. Tâm huyết hai vợ chồng tôi là phấn đấu cải tạo và chăm sóc vườn mẫu khoảng thêm 2 năm nữa để vườn ngày càng hoàn thiện lúc đó sẽ mở dịch vụ sinh thái cho mọi người đến tham quan”.

Đ.N

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/lao-nong-dam-me-lam-vuon-mau-2222119/

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related