(QBĐT) – Nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương “Hai giỏi”, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) thường xuyên, suốt đời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp đặc biệt quan tâm, từng bước đi vào chiều sâu và ngày càng lan tỏa rộng trong mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng…, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho tỉnh.
Khơi dậy ý thức học tập suốt đời
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 tỉnh Hoàng Xuân Tân cho biết: Thời gian qua, Quảng Bình đã ban hành, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả về học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng XHHT, góp phần từng bước nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh và hội nhập quốc tế.
|
Các ban, ngành, đơn vị, địa phương đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài, HTSĐ, xây dựng XHHT… Vì vậy, nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về HTSĐ, xây dựng XHHT được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt thực hiện chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số” của Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2023 trên toàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong học tập, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới “công dân số”.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn với đủ các loại hình, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; bảo đảm hiệu quả sự gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học; phát triển đào tạo từ xa; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, mọi đối tượng có thể tham gia học tập, HTSĐ. Các mô hình học tập trong xã hội, phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn tỉnh được quan tâm, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả, phát triển cả về số lượng và chất lượng; ý thức HTSĐ đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, khu dân cư, cơ sở đào tạo và từng địa phương, đơn vị.
|
“Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đến nay, TP. Đồng Hới đã phát triển quy mô trường lớp cùng với nhiều loại hình đào tạo bảo đảm nhiều cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi. Không chỉ giới hạn trong lớp học, trường học, việc xây dựng XHHT, phong trào thi đua HTSĐ, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi được thành phố chú trọng thực hiện và từng bước đi vào chiều sâu, lan tỏa trong mỗi nhà, mỗi dòng họ, cộng đồng, phát triển rộng khắp trong toàn thành phố. Kết quả, TP. Đồng Hới đã duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2…”, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Đồng Hới Hồ Thanh Hải chia sẻ.
|
Khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy xã hội học tập
Để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030”, đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, xây dựng mô hình “Công dân học tập”…; đồng hành, phối hợp hỗ trợ tích cực 10 hoạt động của ngành Giáo dục-Đào tạo trong trường học; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện các hoạt động khuyến học, khuyến tài trên cơ sở củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội và hội viên, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học trong sự nghiệp xây dựng và phát triển XHHT trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 151/151 đơn vị cấp xã được công nhận “Cộng đồng học tập”, trong đó có 127 đơn vị xếp loại tốt (chiếm 84,1%); 121/151 trung tâm học tập cộng đồng xếp loại tốt… |
“Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh cũng luôn xác định xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức ở nước ngoài tham gia ủng hộ quỹ với nhiều hình thức. Trong 5 năm (2019-2024), tổng số quỹ khuyến học 3 cấp huy động là gần 350 tỷ đồng, bình quân mỗi năm huy động gần 38 tỷ đồng; đã trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, khen thưởng học giỏi, xuất sắc, thi đạt giải cao trong các kỳ thi, giáo viên dạy giỏi và người lớn đạt thành tích cao trong tự học thành tài, xây dựng phòng học, thư viện, trang cấp máy tính, sách vở, ba lô, giày dép, xe đạp… Qua đó, kịp thời hỗ trợ, động viên khích lệ việc học nữa, học mãi”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Xuân Vinh cho hay.
|
Nhờ đó, đến nay, cơ bản các chỉ tiêu về xây dựng XHHT được xác định tại Kế hoạch số 2851/KH-UBND, ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025.
Đó là: Tỉnh đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 3. Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, có 80% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 52% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 26,5% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật (10% dân số có trình độ đại học trở lên).
Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm học 2024-2025 có 27% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật (12% dân số có trình độ đại học trở lên); 60% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; có 30% công dân đạt danh hiệu công dân học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. |
Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tại Trường đại học Quảng Bình đã triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; trên 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác bước đầu đã triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 50% các trung tâm học tập cộng đồng bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.
“Để đạt được mục tiêu phấn đấu vào năm 2025, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT sâu rộng trong từng huyện, từng xã nhằm thúc đẩy việc học tập thường xuyên, HTSĐ trong các cơ quan, tổ chức, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, HTSĐ, xây dựng XHHT… Qua đó, góp phần triển khai thực hiện thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng XHHT, đẩy mạnh HTSĐ giai đoạn 2023-2030” và các mục tiêu của đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân trao đổi thêm.
Hương Trà
https://baoquangbinh.vn/giao-duc/202409/lan-toa-tinh-than-hoc-nua-hoc-mai-2221306/