Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, mục đích của Diễn đàn nhằm tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới đối tác để tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư mới phù hợp với tiêu chí và định hướng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời cung cấp các thông tin về các cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Khu CNC của thành phố Hà Nội được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Thông tin về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Khu, Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, Khu CNC Hòa Lạc được tiếp tục xác định là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng; đã quy tụ được những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như Viettel, FPT, Mobifone, VNPT, CMC, là nơi đặt những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Hằng năm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã đào tạo được hàng nghìn nhân lực công nghệ cao. Qua đó đã dần hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo – nghiên cứu – sản xuất.
Theo ông Trần Đắc Trung, bước sang giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Khu CNC Hòa Lạc cũng được trao thêm nhiều cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua so với pháp luật hiện hành.
Cụ thể: Quy định về giao quyền cho UBND thành phố trong việc: Thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao (theo quy định hiện hành thì các thẩm quyền này của Thủ tướng Chính phủ); Quy định về việc UBND thành phố phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện giao đất, cho thuê đất tại Khu CNC Hòa Lạc (theo quy định hiện hành tại Luật Đất đai thì UBND thành phố không được phân cấp, ủy quyền); Quy định về việc các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất thì mới được cho thuê, liên doanh, liên kết)…
Đây là hành lang pháp lý quan trọng, giúp gia tăng các thẩm quyền của Ban Quản lý khu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng được các nguồn lực của thành phố trong phát triển Khu, tạo ưu đãi cho nhân lực trong Khu… và sẽ là một “cú hích” cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các đại biểu lắng nghe ý kiến của một số nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc; góp ý, đề xuất của một số tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước về giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư để Khu CNC Hòa Lạc xứng đáng là điểm đến đầu tư tin cậy, chất lượng cao và hiệu quả.
https%3A%2F%2Fhanoimoi.vn%2Fkhu-cong-nghe-cao-hoa-lac-duoc-trao-them-nhieu-chinh-sach-co-che-vuot-troi-679773.html