Ngay cả trước khi căng thẳng leo thang với Israel gần đây, Iran đã đối mặt với tình trạng lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đồng tiền mất giá nghiêm trọng. Liệu nền kinh tế nước này có thể chịu đựng được một cuộc xung đột vũ trang kéo dài?
Sự leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa Iran và Israel, đỉnh điểm là việc Tehran nã ít nhất 180 tên lửa vào Israel vào ngày 1/10 và Israel tuyên bố trả đũa ngay sau đó không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu mà còn gây ra nhiều rủi ro cho chính nền kinh tế của Iran.
Tuy vậy, ngay cả trước khi căng thẳng leo thang với Israel gần đây, Iran đã đối mặt với tình trạng lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đồng tiền mất giá nghiêm trọng. Liệu nền kinh tế nước này có thể chịu đựng được một cuộc xung đột vũ trang kéo dài?
Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu lớn của Iran
Nền kinh tế giảm tốc đáng báo động
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Iran, tăng trưởng kinh tế của Iran đã giảm mạnh so với năm trước. Trong mùa xuân năm nay, nền kinh tế Iran chỉ đạt mức tăng trưởng 3,2%, so với mức 5,7% trong cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này được cho là do giá trị gia tăng của các sản phẩm dầu mỏ giảm đáng kể, chỉ còn một nửa so với trước. Vào mùa xuân năm ngoái, tăng trưởng trong lĩnh vực này đạt 16,5%, nhưng hiện tại chỉ còn 9,5%.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Iran năm ngoái đạt 4,7%. Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng năm nay sẽ giảm xuống 3,3% và tiếp tục giảm còn 3,1% vào năm tới, cho thấy tương lai kinh tế của Iran khá ảm đạm.
Gần đây, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8%, Iran cần đầu tư 200 tỷ USD. “Tổng mức đầu tư hiện tại của cả nước chưa đến 100 tỷ USD. Vì vậy, chúng ta cần thêm 100 tỷ USD từ nguồn đầu tư nước ngoài”, ông nhấn mạnh. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Iran chỉ thu hút được 1,5 tỷ USD từ đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm ngoái, con số này còn rất xa so với mức cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu lớn của Iran
Mặc dù bị Mỹ trừng phạt, Iran vẫn bán dầu ra nước ngoài, đặc biệt là cho Trung Quốc. Đầu năm 2024, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Javad Owji, cho biết quốc gia này đã xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn bao giờ hết trong 6 năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Xuất khẩu dầu mỏ đã mang lại hơn 35 tỷ USD trong năm 2023 cho Iran.
Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2024, Iran xuất khẩu trung bình 1,56 triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và sự gia tăng số lượng tàu chở dầu “bóng tối” – những tàu giúp Iran lách các lệnh trừng phạt. Theo tổ chức phi lợi nhuận United Against Nuclear Iran có trụ sở tại Hoa Kỳ, ”hạm đội bóng tối” của Iran bao gồm ít nhất 383 tàu.
Iran chiếm khoảng 4% sản lượng dầu toàn cầu, nếu đòn đáp trả của Israel nhắm vào dầu mỏ, các nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể sẽ tăng vọt lên 100 USD/thùng. Song song với đó, nền kinh tế Iran vốn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ cũng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Đồng tiền của Iran mất giá nghiêm trọng
Lạm phát cao, đồng tiền sụt giá trầm trọng
Các lệnh trừng phạt trước đó đã gây sức ép lớn lên nền kinh tế Iran bởi không chỉ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ mà còn tác động đến khả năng thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế của nước này. Đồng rial – đồng tiền chính thức của Iran – đã mất giá trầm trọng. Trước đây, vào năm 2015, một USD chỉ tương đương 32.000 rial nhưng hiện tại đã lên đến 580.000 rial.
Mặc dù xuất khẩu dầu được duy trì, nền kinh tế Iran vẫn yếu. GDP của Iran năm 2023 là 403 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với Israel (509 tỷ USD). Những khác biệt này thậm chí còn rõ ràng hơn khi so sánh tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một năm. Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Iran là 4.663 USD trong khi của Israel là 52.219 USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Djavad Salehi-Isfahani, giáo sư kinh tế tại Đại học Bách khoa Virginia cho biết, lạm phát của Iran đã tăng lên tới 40% và bất kì sự gia tăng xung đột địa chính trị nào sẽ ngay lập tức khiến chỉ số này tăng vọt. Theo Salehi-Isfahani, mức sống của tầng lớp trung lưu ở Iran cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây và hiện đã “đi lùi về 20 năm trước”.
Ngoài ra, những tồn tại về tham nhũng và chế độ “gia đình trị” trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức tôn giáo cũng khiến nền kinh tế Iran khó phát triển hơn. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Iran xếp hạng 149/180 quốc gia, cho thấy sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế của nước này rất thấp.
Trong thời gian qua, có nhiều cuộc biểu tình liên tục nổ ra do giá cả leo thang và các vấn đề về quyền phụ nữ. Một cuộc chiến với Israel sẽ gây thêm áp lực kinh tế, có thể buộc chính phủ Iran phải cắt giảm chi tiêu, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi Iran bắn hơn 100 tên lửa đạn đạo vào Israel, thị trường tài chính toàn cầu đều bị ảnh hưởng.
Theo Hà My (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/israel-tuyen-bo-dap-tra-sau-khi-bi-na-ten-lua-nen-kinh-te-iran-co-chong-chiu-duoc-mot-cuoc-chien-keo-dai-c161a1607979.html