Siêu cảng Chancay trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư tại Peru đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Dự án được kỳ vọng sẽ định hình lại hoạt động thương mại khu vực, với công nghệ hiện đại hoàn toàn do Trung Quốc cung cấp – từ cần cẩu tự động ZPMC đến hệ thống viễn thông 5G của Huawei.
“Đây là cơ hội lớn không chỉ cho Peru mà cho cả khu vực,” ông Mario de las Casas, Giám đốc quan hệ công chúng của Cosco Shipping – đơn vị vận hành cảng, khẳng định.
Cảng Chancay, Peru do Trung Quốc tài trợ chuẩn bị khánh thành đi vào hoạt động
Cosco Shipping, tập đoàn vận tải biển hàng đầu Trung Quốc, đã hợp tác với công ty khai thác địa phương Volcan để phát triển dự án. Các quan chức Peru tin rằng với khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn ở vùng nước sâu, Chancay sẽ biến quốc gia Nam Mỹ này thành trung tâm logistics tầm cỡ Singapore.
>> Lộ diện 3 siêu cường châu Á thống lĩnh công nghiệp hàng hải, láng giềng Việt Nam đứng số 1
Tuy nhiên, dự án cũng làm dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực. Hoa Kỳ cảnh báo về khả năng cảng này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. “Peru đối mặt nhiều rủi ro khi để mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên và lợi thế địa lý vào tay Trung Quốc,” TS. Evan Ellis từ Học viện Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ nhận định.
Lễ khánh thành cảng sẽ diễn ra vào ngày 14/11 với sự tham dự trực tuyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ Lima, nơi diễn ra Hội nghị APEC. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có mặt tại Peru trong chuyến công du cuối cùng đến Nam Mỹ với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Trước đó vào tháng 5, Quốc hội Peru đã thông qua đạo luật trao quyền độc quyền khai thác cảng cho Cosco, một động thái được cho là “chưa từng có tiền lệ” và làm dấy lên tranh cãi về chủ quyền quốc gia.”
Phản hồi những lo ngại này, Bộ trưởng Giao thông Peru Rául Pérez-Reyes khẳng định Chancay sẽ hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan hải quan và cảng vụ nước này.
‘Đây đơn thuần là khoản đầu tư nước ngoài, không khác gì vốn từ Anh hay Bắc Mỹ. Chủ quyền quốc gia vẫn được đảm bảo,’ ông Pérez-Reyes nói và nhấn mạnh siêu cảng sẽ tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh của Peru thông qua việc kết nối trực tiếp với thị trường châu Á.
Cảng Chancay trong quá trình xây dựng, tháng 6/2024
Theo Cosco, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD trong tổng số 3,6 tỷ USD. Với khả năng tiếp nhận tàu container có sức chứa lên tới 22.000 TEU, Chancay trở thành cảng nước sâu duy nhất trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể đón những siêu tàu cỡ lớn.
Cảng mới được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển từ Peru đến Trung Quốc xuống còn 25 ngày, giảm 10 ngày so với lộ trình truyền thống phải quá cảnh tại Mexico hoặc California (Mỹ). Theo Cosco, các lô hàng từ Brazil cũng có thể tiết kiệm được ít nhất 10 ngày nếu sử dụng cảng này thay vì đi qua kênh đào Panama hoặc vòng sang phía đông để tới châu Á.
Là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Chancay đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc tại Peru. Trước đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm giữ nhiều tài sản chiến lược, bao gồm mỏ đồng Las Bambas (MMG), hệ thống điện lực khu vực Lima (China Southern Power Grid và Tập đoàn Tam Hiệp), và quyền phát triển cảng biển tại Ica (Jinzhao).
‘Hoa Kỳ đang bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư tại Peru,’ Bộ trưởng Thương mại Úrsula Léon nhận định. Mặc dù cả Trung Quốc và Mỹ đều có hiệp định thương mại tự do với Peru, Bắc Kinh đang thể hiện vai trò đối tác thương mại chủ đạo. Dự kiến, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại song phương.
Số liệu thương mại năm 2023 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Peru sang Trung Quốc đạt 23,1 tỷ USD, chủ yếu là đồng, sắt và bột cá, gấp hơn hai lần con số 9,1 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Peru Léon nhấn mạnh Mỹ vẫn có cơ hội đầu tư vào các dự án lớn của nước này, trong đó có cảng Corío ở phía nam. Bà bác bỏ nhận định Peru đang phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phía Mỹ cho biết đã thảo luận với Peru về dự án cảng Chancay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát, đảm bảo an ninh cũng như cạnh tranh công bằng đối với các dự án hạ tầng trọng điểm. “Chúng tôi không buộc các đối tác phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sẽ chứng minh lợi ích khi hợp tác với Mỹ”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nam Mỹ, đồng thời là nhà đầu tư chính trong các dự án khoáng sản, giao thông và năng lượng. Bắc Kinh tuyên bố các dự án nước ngoài của họ hướng đến lợi ích chung, trái ngược với cách tiếp cận mà họ cho là “theo đuổi bá quyền” của Washington.
Dự kiến giai đoạn đầu, cảng Chancay sẽ có công suất 1-1,5 triệu TEU và 6 triệu tấn hàng rời mỗi năm, trước khi nâng lên 3,5 Mtriệu TEU. Cảng chính của Peru là Callao cũng vừa được mở rộng với công suất 3,7 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, năng lực cảng biển của khu vực Mỹ Latinh vẫn còn khoảng cách lớn so với châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu – nơi nhiều cảng đạt công suất trên 10 triệu TEU.
Một đường hầm dành cho xe tải đã được xây dựng để không gây ra tình trạng tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa tại thị trấn Chancay
Để tránh ùn tắc tại thị trấn Chancay – vốn chỉ là một làng chài yên bình với khách du lịch cuối tuần, Cosco đã xây dựng đường hầm dài nhất Peru (1.830m) cho xe tải. Tuy nhiên, người dân địa phương lo ngại về tiếng ồn từ cảng cùng nguy cơ ảnh hưởng đến tài nguyên đất và hoạt động ngư nghiệp truyền thống.
Bên cạnh cảng, Cosco dự kiến phát triển khu công nghiệp, trong đó hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD đã bày tỏ ý định xây nhà máy lắp ráp. Quốc hội Peru đang xem xét đề xuất ưu đãi thuế cho khu vực này, song vấp phải phản đối do tạo lợi thế không công bằng so với cảng Callao cách đó 73km.
“Dự án Chancay đã đủ hấp dẫn mà không cần giảm thuế. Về cơ bản, chúng ta đang tạo bất lợi lớn cho các cảng khác”, nữ nghị sĩ đối lập Adriana Tudela nhận định.
Trước khi rời vị trí Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ (phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe), Tướng Laura Richardson cảnh báo nguy cơ hải quân Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng nhất định và hiện diện cảng Chancay. “Đây là chiến thuật họ từng sử dụng ở nơi khác”, bà nhận định.
Cựu Bộ trưởng Tài chính, ông Alfredo Thorne đánh giá dù đầu tư Trung Quốc có lợi cho xuất khẩu Peru, song tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn, đặc biệt trong tiếp cận thị trường Mỹ. Theo ông, tân Tổng thống Mỹ Trump có thể kéo Peru vào tranh chấp với Bắc Kinh do dự kiến theo đuổi chính sách bảo hộ và cứng rắn, bao gồm đề xuất áp thuế 60% với hàng hóa Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ không có lợi nếu tiếp tục đầu tư vào Peru trong bối cảnh nước này đối đầu với Trump”, ông Thorne nhận định.
Theo Financial Times
>> Không ‘thua kém’ Trung Quốc, quốc gia châu Á mạnh tay xây siêu cảng top 10 thế giới
https%3A%2F%2Fnguoiquansat.vn%2Fhuy-dong-cong-nghe-cao-trung-quoc-xay-sieu-cang-o-ngay-san-sau-cua-sieu-cuong-so-1-the-gioi-177401.html