PV. Nhiếp ảnh: Kim Kê & Coong Media–Thứ bảy, ngày 05/10/2024 21:20 GMT+7
Khán giả được sống lại không khí hào hùng với nhiều hoạt cảnh, bài múa, trình diễn áo dài tái hiện lại Hà Nội – Thủ đô anh hùng, trong chiến đấu đã đi vào lịch sử vàng son và nay đang không ngừng phát triển hội nhập.
Với sự xuất hiện của những thiết kế áo dài duyên dáng qua các bộ sưu tập của các nhà thiết kế tên tuổi của Việt Nam như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, hoa hậu Ngọc Hân, Thuỷ Nguyễn… là điểm nhấn không thể thiếu của lễ hội. Mở màn Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2024 NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thông qua tà áo dài dân tộc tôn vinh nét đẹp của giá trị truyền thống.
Với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Hà Nội không chỉ là biểu tượng của lịch sử, mà còn là niềm tự hào sâu sắc, khơi dậy nguồn cảm hứng để NTK tạo nên các BST áo dài đặc sắc.
Thăng Long, vùng đất “Rồng bay lên” đã trở thành họa tiết chủ đạo cho 3 BST “Hoàng Long – Lương Duyên – Tâm Sen” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với 34 mẫu thiết kế cầu kỳ, công phu. Với Hoạ tiết Rồng, Phượng trong tín ngưỡng và văn hoá dân gian Việt được NTK tôn vinh tạo nên những tuyệt tác áo dài.
Các mẫu thiết kế áo dài Nam ngũ thân cách tân hiện đại lấy họa tiết Rồng: Trong tín ngưỡng và văn hóa dân gian Việt Nam, “Rồng” đại diện cho sức mạnh, may mắn và thịnh vượng, mang đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm lí tưởng của người quân tử.
“Phượng” biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã, cao quý của người phụ nữ nhân hậu, đức độ. Khi kết hợp cùng nhau họa tiết Rồng Phượng đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ trong các mẫu áo dài nữ ly vuông được thiết kế đối xứng mang ý nghĩa sum vầy trên tà áo dài truyền thống, từ đó thể hiện niềm tự hào về một vùng đất thiêng liêng và ước nguyện về một thành phố hòa bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các thiết kế được tạo nên bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu lụa truyền thống cao cấp và các họa tiết tinh tế, cùng kỹ thuật thêu tay, đính kết thủ công cầu kỳ được những bàn tay khéo léo của hàng trăm nghệ nhân làng nghề truyền thống tại Thường Tín, Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội) thực hiện trong hàng ngàn giờ lao động.
Sao nhí phim giờ vàng VFC là Cherry An Nhiên và Gia Nghĩa trong trang phục đính đá quý tại sân khấu khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Hà Nội – Tinh hoa Áo Dài”
Sự kết hợp hài hòa này đã mang đến cho BST một vẻ đẹp vừa giữ gìn được nét cổ xưa truyền thống, vừa thấm đẫm hơi thở hiện đại, sang trọng và thời thượng.
Áo dài mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự tôn trọng và yêu thích văn hóa dân tộc trong các sự kiện lớn như tiệc cưới, dạ hội, hay các buổi lễ trang trọng. Điều này không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn góp phần khẳng định giá trị và sự độc đáo của thời trang Việt trong xu hướng toàn cầu.
Trong khi các bộ đầm quốc tế thường mang tính biểu tượng cho nền văn hóa phương Tây, thì áo dài là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, kết nối sâu sắc với lịch sử và truyền thống. Với giá trị này, áo dài cao cấp không chỉ là thời trang mà còn là một tuyên ngôn về bản sắc văn hóa, sánh ngang với những bộ trang phục biểu tượng của các quốc gia khác.
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn được thiết kế đa dạng, kết hợp giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại, tạo ra sự sang trọng, tinh tế không kém cạnh các bộ đầm quốc tế.
Ông Hồ An Phong – Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch, Bà Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch cùng các đồng chí lãnh đạo chúc mừng chương trình và các ekip chương trình.
Đây là năm thứ 3 Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội được tổ chức góp phần xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, quảng bá hình ảnh của thủ đô Hà Nội: “Điểm đến an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”. Cùng với áo dài, ban tổ chức, các nhà thiết kế đang vẽ nên một chương vàng son mới phát triển và hội nhập dành cho lịch sử áo dài dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
https://vtv.vn/du-lich/ha-noi-khai-mac-le-hoi-ao-dai-du-lich-day-an-tuong-20241005191135821.htm