Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Sớm triển khai để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội

Date:

Sáng 13/11, Quốc hội đã nghe báo cáo tờ trình và thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Cho rằng Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với thời gian nghiên cứu gần 12 năm, nhiều đại biểu thống nhất đây là thời điểm rất phù hợp để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư và cần được sớm triển khai để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đồng tình và nhất trí cao với phương án mà Chính phủ báo cáo. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bởi nhiều yếu tố về nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm triển khai các dự án trọng điểm trong thời gian qua, cũng như việc đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

Ông Trần Quang Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho hay: “Đến nay quy mô của nền kinh tế của mình đã lớn hơn nhiều, đến năm 2027 này thì thu nhập của người dân cũng ở mức cao hơn rất nhiều rồi”.

Đại biểu Phạm Thuý Chinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng: “Cái ngưỡng của chúng ta được cho phép trần nợ công là 60%, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Hiện nay theo báo cáo của Chính phủ ở thời điểm hiện tại chúng ta khoảng 37% GDP và kể cả nợ Chính phủ cũng ở trong ngưỡng cho phép”.

Tại tờ trình, Chính phủ đã đề xuất 19 cơ chế chính sách đặc thù cho dự án. Một số đại biểu bày tỏ đồng tình bởi đây là dự án có quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ và cần triển khai trong thời gian ngắn để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho ý kiến: “Có thể có những phương án tốt hơn, khả thi hơn, hoặc tiết kiệm được hơn nhưng đến lúc đấy lại mất một giai đoạn để làm lại hồ sơ báo cáo lại Quốc hội quyết định lại những vấn đề mà chúng tôi nghĩ vấn đề này hoàn toàn có thể tin tưởng giao lại cho Chính phủ thực hiện được. Mình đưa một cái tổng mức không quá là bao nhiêu đó, thế còn cân đối ngân sách trong từng năm, trong từng giai đoạn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công thì Quốc hội vẫn có thể kiểm soát qua việc quyết định ngân sách hàng năm, qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Chúng tôi nghĩ việc kiểm soát của Quốc hội là hoàn toàn có thể thực hiện được mà không nhất thiết phải ghi quá chi tiết về những nội dung mang tính kỹ thuật”.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với phương án về thi công là 60% là cầu cạn, nó phù hợp với điều kiện địa hình và đảm bảo được phương án khi có thiên tai bão lũ xảy ra”.

Để triển khai thuận lợi và có thể khởi công vào năm 2027 như đề xuất, các đại biểu cho rằng yếu tố đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ. Có như vậy mới có thể tiếp nhận các công nghệ hiện đại trong các khâu đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác và bảo trì bảo dưỡng sau này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

https://vtv.vn/kinh-te/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-som-trien-khai-de-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20241113230259059.htm

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related