Home Muôn nẻo Quảng Bình Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

0

(QBĐT) – Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã có nhiều hoạt động thiết thực triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, qua đó góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bố Trạch cho biết: Thực hiện CVĐ, ngay từ đầu năm, hầu hết các ngành, đoàn thể và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện CVĐ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến người dân về CVĐ thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền về các mô hình, điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, các sản phẩm do người dân sản xuất trên các phương tiện truyền thông; hướng dẫn người dân cách nhận biết hàng Việt Nam chất lượng cao, cách tiêu dùng thông thái… Nhờ đó, đã tác động tích cực đến người tiêu dùng trên địa bàn huyện, sức mua, bán hàng Việt tăng hơn so với trước đây, nhận thức của người dân về sản xuất và sử dụng hàng Việt, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), UBND huyện cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng nhãn hiệu tập thể, góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.





Huyện Bố Trạch tổ chức giới thiệu, trưng bày hàng hóa sản xuất trên địa bàn đến với người tiêu dùng.

Đến nay, toàn huyện có 64 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao, số còn lại là sản phẩm đạt 3 sao; có 30 chủ thể, 22/28 địa phương có sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm có bao bì, nhãn mác, chất lượng tốt, xây dựng được uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến, như: Nước mắm Ngọc Biển (xã Thanh Trạch), tinh dầu Như Oanh (xã Nam Trạch), các sản phẩm từ nấm của HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc)… Đặc biệt, huyện đã xây dựng và khai trương 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện cho DN, HTX, CSSX kinh doanh có thêm kênh quảng bá, trưng bày, giới thiệu, kết nối và tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, huyện cũng đã tổ chức thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các chợ đầu mối, đông dân cư trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những cách làm cụ thể, đa dạng trong tuyên truyền, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn huyện, có khoảng 80% hàng Việt được bày bán, nhiều DN đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, có sự tập trung phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động lưu thông phân phối, bình ổn giá, vệ sinh an toàn thực phẩm…; góp phần hạn chế đáng kể các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả.

Chị Dương Thị Thu, xã Nhân Trạch chia sẻ: “Hiện nay, các sản phẩm đến từ doanh nghiệp, CSSX trong nước đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào, vì vậy, tôi luôn tin dùng. Đặc biệt, từ khi có chương trình OCOP, các sản phẩm của Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đã được nâng tầm, chất lượng bảo đảm nên tôi cũng thường xuyên tìm mua các sản phẩm này”.




Ngoài các hoạt động trên, huyện Bố Trạch cũng đã tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn ưu tiên trong việc mua sắm các loại trang thiết bị, phương tiện làm việc là hàng hóa sản xuất trong nước. Trong công tác thẩm định dự án đầu tư, khuyến khích các nhà thầu ưu tiên sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất trong nước cho các công trình đầu tư công.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện CVĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Trong đó, việc quảng bá, thông tin về hàng hóa sản phẩm sản xuất trong nước chưa nhiều; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được tăng cường nhưng tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bày bán nhiều. Mặc dù huyện đã có quy hoạch, hỗ trợ phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, các kênh bán hàng hiện đại nhưng vẫn chưa thu hút được chủ đầu tư; việc tiếp cận để bán hàng trên sàn thương mại điện tử của một số DN, HTX, CSSX còn yếu; công tác tuyên truyền mặc dù đã có tập trung, nhưng hình thức tuyên truyền chưa phong phú, còn rập khuôn, chưa thực sự đi vào chiều sâu…

Theo ông Nguyễn Văn Lam, trên cơ sở những kết quả đạt được, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả CVĐ, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, DN và người tiêu dùng trong thực hiện CVĐ; tùy vào chức năng của từng đơn vị, tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực phụ trách; kiểm soát chặt chẽ thị trường, chất lượng hàng hóa; kiên quyết xử lý những hành vi kinh doanh trái pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch tổ chức “Phiên chợ hàng Việt”, hội chợ sản phẩm OCOP hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng Việt; chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa và những phản ánh của nhân dân về hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ hàng hóa Việt lưu thông trên thị trường…

Thanh Hoa

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/dua-hang-viet-den-gan-hon-voi-nguoi-tieu-dung-2221432/

Exit mobile version