Du lịch MICE Việt tiềm năng nhưng vẫn ‘dưới kỳ vọng’

Việt Nam có đủ lợi thế thắng cảnh để làm du lịch MICE nhưng hạ tầng dịch vụ, nhân sự là những điểm trừ khiến lĩnh vực còn manh mún, theo chuyên gia.

Tại Diễn đàn Du lịch với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến của Du lịch MICE” ngày 27/9, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình nhận xét MICE là sản phẩm du lịch mang lại những lợi ích kinh tế to lớn và vượt trội cho ngành. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.





Phòng hội nghị sang trọng phục vụ khách MICE tại Gran Hồ Tràm. Ảnh: The Gran Ho Tram

Phòng hội nghị phục vụ khách MICE tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: The Grand Ho Tram

MICE là tên viết tắt của Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions – một loại hình du lịch kết hợp họp, hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện hay những chuyến du lịch khen thưởng của các công ty. Do tính chất riêng biệt, khách MICE thường đi theo đoàn lớn, lên đến hàng nghìn người. Mức chi tiêu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống của khách MICE cao hơn khách đi theo đoàn thông thường.

“Một suất ăn của khách đoàn thông thường 200.000-300.000 đồng nhưng khách MICE có thể lên đến một triệu đồng hoặc hơn”, CEO Nguyễn Tiến Đạt của AZA Travel, đơn vị lữ hành chuyên dẫn đoàn khách MICE inbound (khách quốc tế đến) và nội địa chia sẻ.

Ngoài ăn, khách MICE thường chọn cơ sở lưu trú 4-5 sao và nhiều dịch vụ đi kèm như gala dinner (tiệc tối), team building, mang lại doanh thu tốt hơn cho các đơn vị lữ hành và cung ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nhận định thị từ năm 2023 đến 2030, thị trường du lịch MICE toàn cầu được dự đoán tăng tốc đáng kể. Ngoài đông và chi tiêu nhiều, khách MICE còn sở hữu một thế mạnh vượt trội so với khách thông thường: ở dài ngày và không chịu tác động của yếu tố thời điểm. Khách MICE có thể đi du lịch mọi mùa trong năm.

Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch MICE của khách ngày càng tăng, nhất là lượng khách tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 8/2024, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 11,4 triệu lượt, theo Tổng cục Thống kê. Lượng khách MICE tăng mạnh khi trong quý I, doanh thu và lượng khách tăng 35% so với cùng kỳ 2023. Theo đánh giá của Viện trưởng Tuấn, MICE là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm 60-70% lượng khách hiện tại của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm tăng, thế mạnh về tài nguyên du lịch để trở thành điểm đến của du lịch MICE trên toàn thế giới. Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa và kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp. Nhiều địa điểm có thể phát triển và đón khách MICE như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang.





Các du khách Ấn trong đoàn 4.500 khách chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8. Ảnh: Vietravel

Các du khách Ấn trong đoàn 4.500 khách chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8. Ảnh: Vietravel

Tình hình chính trị ổn định, người dân hiếu khách là điểm cộng khiến Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Ngoài ra, một trong những thế mạnh của Việt Nam với khách du lịch MICE quốc tế là chi phí rẻ, ổn định.

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã đầu tư, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, đến nay phát triển du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối hệ thống liên ngành và liên vùng. Du lịch MICE còn gặp nhiều hạn chế về tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh thua kém một số nước trong khu vực. Do đó, dù được coi như “gà đẻ trứng vàng”, du lịch MICE chưa đóng góp được nhiều cho du lịch Việt như kỳ vọng của ngành.

Năm 2024, theo bảng xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh Tế thế giới, Việt Nam bị tụt hạng năng lực cạnh tranh. Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2019 xếp hạng 63/140 (đạt 3,84 điểm). Năm 2021, Việt Nam xếp hạng 56/117 (đạt 4 điểm) và năm 2024, con số đó là 59/119 (đạt 3,96 điểm) và giảm 3 bậc so với 2021.

Một số chỉ số trụ cột tụt hạng mạnh như Hạ tầng hàng không giảm 17 bậc; du lịch bền vững giảm 24 bậc. Hai chỉ số mới đều xếp hạng thấp: Mức độ mở cửa du lịch hạng 80; Tác động kinh tế – xã hội của du lịch hạng 115. Hạ tầng du lịch đang là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam khi chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 89/119 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam Phùng Hữu Hoàng cho biết ngành du lịch đang tìm kiếm những giải pháp “tự thân” để không ngừng đẩy mạnh nguồn khách này. Tuy nhiên, vấn đề giá vé máy bay tăng cao đang trở thành thách thức lớn. Việt Nam cần đưa ra các giải pháp thực tiễn để khôi phục du lịch MICE đi bằng đường hàng không về mức như những năm 2018-2019. Các hãng hàng không cần xem xét, điều chỉnh mức giá hợp lý. Thay vì hỗ trợ đêm nghỉ đầu cho khách bay sau 21h30 -1,2h, các hãng cũng nên xem xét giảm trực tiếp vào giá vé để tạo thêm sự hấp dẫn cho dịch vụ.

Đối với thị trường khách du lịch MICE bằng đường thủy, đường bộ và tàu hỏa, cần tiếp tục bình ổn giá và đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ và trái cây địa phương theo mùa, có thể tính phí hoặc miễn phí, sẽ tạo ấn tượng tích cực cho khách hàng.

Ngành du lịch cần làm mới hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng tại các khách sạn và nhà hàng để có thể phục vụ các đoàn khách MICE quy mô 500 – 1.000 người. Đối với các điểm đến di chuyển bằng tàu thủy, đầu tư vào đội tàu riêng với mức giá hợp lý sẽ giúp giảm tải cho các phương tiện tàu chung và đảm bảo giờ giấc cho khách tham gia các hoạt động như họp, team building hay gala dinner.

Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học thuộc Đại học KHXHNV – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch MICE vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thị trường quốc tế. Theo nghiên cứu từ Cục Du lịch Quốc gia năm 2020, 30% nhân viên trong ngành MICE có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu hụt đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về quản lý sự kiện quy mô lớn. Đặc biệt, rất ít nhân viên sở hữu các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành như Certified Meeting Professional (CMP) hoặc Certified in Exhibition Management (CEM), những chứng chỉ cần thiết để quản lý và tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ toàn cầu.

“Hiện tại, chênh lệch về năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc – những nước đã có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này – vẫn còn lớn”, tiến sĩ Lê Anh cho biết.

Phương Anh


https://vnexpress.net/du-lich-mice-viet-tiem-nang-nhung-van-duoi-ky-vong-4797880.html

Có thể bạn chưa xem

Bài viết cùng tác giả