Tóm tắt
Trong những năm qua, du lịch ngày càng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nguồn lực phát triển chính của tỉnh Khánh Hòa. Do đó, việc đưa ra cách tính toán một cách khoa học, chính xác về mức đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là vấn đề cần thiết, để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao mức đóng góp của ngành du lịch. Thực hiện chuyên đề “Du lịch Khánh Hòa – ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp mạnh trong tăng trưởng kinh tế”, tác giả đã tính toán giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015-2023 và tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch vào tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2023. Tác giả cũng đề xuất mô hình hồi quy tính toán, dự báo giá trị tăng thêm ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, đề tài chỉ dừng ở bước phản ánh giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2015-2023 của ngành du lịch và chưa phản ánh hết phần giá trị thuế sản phẩm liên quan đến các ngành kinh tế cấu thành nên giá trị tăng thêm của du lịch.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của du lịch có ảnh hưởng tương quan giữa các ngành kinh tế quan trọng trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC). Với mong muốn đánh giá được thực trạng mức đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bình quân giai đoạn 2015- 2023, tác giả thực hiện chuyên đề “Du lịch Khánh Hòa – ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp mạnh trong tăng trưởng kinh tế”. Chuyên đề này giúp cho Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có cái nhìn tổng quan hơn về mức đóng góp của giá trị tăng thêm ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Tỉnh. Qua đó phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong việc hoạch định các chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế; tích lũy tư liệu sản xuất; cải thiện chất lượng lao động và những chính sách về quản lý, điều hành nền kinh tế phù hợp; chính sách về phát triển du lịch bền vững… nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành du lịch địa phương.
Kết quả tính toán chỉ tiêu Giá trị tăng thêm ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2023
Khi xem xét nền kinh tế trong mối quan hệ qua lại, người ta nhận thấy rằng khi tác động đến một ngành kinh tế sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành đó mà còn ảnh hưởng đến các ngành khác có liên quan. Như vậy, tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế được hiểu là tổng tác động đến các ngành trong toàn bộ nền kinh tế khi xem xét ảnh hưởng của tiêu dùng du lịch trong mối quan hệ liên ngành một cách trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, tác giả xác định 07 danh mục ngành sản phẩm dùng để bóc tách giá trị tăng thêm ngành du lịch từ giá trị tăng thêm ngành kinh tế cấp 1, cấp 2 tương ứng với 07 khoản chi tiêu trong điều tra chi tiêu khách du lịch làm cơ sở để thống nhất trong nghiên cứu. Cụ thể:
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô xe máy và xe có động cơ khác (ngành G)
Việc tổng hợp và xử lý số liệu tính Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành G gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành 47 – Bán lẻ; còn lại loại bỏ hai ngành cấp 2 là ngành 45 – Bán, sửa chữa mô tô, mô tô, xe máy và ngành 46 – Bán buôn vì không phát sinh trong chi phí của khách đi du lịch.
Sau khi xem xét, đánh giá dãy số liệu Giá trị tăng thêm ngành G, tác giả ước lượng tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành G, chỉ chiếm 19,85%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 718,17 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Vận tải, kho bãi (ngành H)
Tương tự như trên, tính Giá trị tăng thêm du lịch đối với ngành H gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành cấp 2 là ngành 49 – Vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống và ngành 51 – Vận tải hàng không; còn lại loại bỏ các ngành cấp 2 là ngành 50 – Vận tải đường thủy; ngành 52 – Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải và ngành 53 – Bưu chính và chuyển phát vì không phát sinh hoặc có giá trị không đáng kể trong chi phí của khách đi du lịch.
Ước tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành H chỉ chiếm 39,78%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 934,93 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống (ngành I)
Giá trị tăng thêm du lịch đối với ngành I gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành cấp 2 là ngành 55 – Dịch vụ lưu trú và ngành 56 – Dịch vụ ăn uống. Thực tế cho thấy, hai ngành này có tỷ trọng đóng góp rất lớn vào giá trị tăng thêm du lịch; đối với ngành ăn uống, đề tài đã xem xét đến yếu tố loại bỏ phần giá trị ăn uống của người dân thường trú theo tỷ lệ 55% giá trị, phần còn lại là giá trị của ngành du lịch; riêng giá trị ngành 55, mức đóng góp là 100% cho hoạt động du lịch.
Ước tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành I chỉ chiếm 69,85%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 3.247,42 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (ngành N – 79)
Tính Giá trị tăng thêm du lịch đối với ngành N gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành cấp 2 là ngành 77 – Cho thuê máy móc, thiết bị, cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình và lấy trọn giá trị ngành 79 – Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ; còn lại loại bỏ các ngành cấp 2 gồm ngành 78 – Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; ngành 80 – Hoạt động điều tra bảo đảm an toàn; ngành 81 – Hoạt động dịch vụ vệ sinh nhà cửa, công trình và cảnh quan; ngành 82 – Hoạt động hành chính, hỗ trợ văn phòng và các hoạt động hỗ trợ kinh doanh khác vì không phát sinh hoặc có giá trị không đáng kể trong chi phí của khách đi du lịch.
Ước tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành N chỉ chiếm 51,59%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 515,36 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (ngành Q)
Giá trị tăng thêm du lịch đối với ngành Q gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành cấp 2 là ngành 86 – Hoạt động y tế. Còn lại loại bỏ các ngành cấp 2 là ngành 87 – Hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung và ngành 88 – Hoạt động trợ giúp xã hội không tập trung. Ước tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành Q chỉ chiếm 4,48%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 21,58 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (ngành R)
Giá trị tăng thêm du lịch đối với ngành R gồm: Tổng hợp và bóc tách lấy một phần giá trị tăng thêm của ngành cấp 2 là ngành 90 – Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí chiếm 80% tổng giá trị tăng thêm nội ngành; ngành 91 – Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hoá khác chiếm 90%; ngành 92 – Hoạt động xổ số, cá cược và đánh bạc chiếm 2%; ngành 93 – Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí chiếm 85%.
Có thể thấy, tại nhóm ngành này chỉ có giá trị ngành 93 là có tỷ trọng đóng góp lớn nhất vào giá trị tăng thêm du lịch. Ước tỷ phần Giá trị tăng thêm ngành du lịch so Giá trị tăng thêm ngành R chỉ chiếm 74,07%. Theo đó, Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 có được là 945,75 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm ngành du lịch đối với ngành Dịch vụ khác (ngành S)
Từ kết quả tính toán trên cho thấy:
Giá trị tăng thêm ngành du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2023 (đã loại bỏ ảnh hưởng dịch Covid-19) ước là 6.611,51 triệu đồng.
Giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2023 ước là 48.684,84 triệu đồng.
Vậy tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch vào tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2023 như sau: (6.611,51 : 48.684,84) x 100 = 13,58%
Trong chuyên đề phân tích này, các số liệu GRDP giai đoạn 2015 – 2023 đã được tác giả cập nhật mới và có tính toán lại tỷ trọng đóng góp các ngành kinh tế cấp 2 cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Kết quả phân tích nghiên cứu chuyên đề cho thấy, sự phát triển ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2015- 2023 vẫn phụ thuộc nhiều vào các ngành kinh tế chủ lực như ngành I – Lưu trú và ăn uống có giá trị đóng góp cao nhất, sau đó các ngành R – Nghệ thuật, vui chơi và giải trí , ngành H – Vận tải, kho bãi , ngành G – Bán buôn và bán lẻ hàng hóa; các nhóm ngành N – Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, ngành S – Dịch vụ khác và ngành Q – Y tế, tuy hoạt động nhộn nhịp nhưng có giá trị đóng góp vào du lịch rất nhỏ.
Về dự báo, để xác định Giá trị tăng thêm ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu đưa ra Mô hình hồi quy cụ thể như sau:
VADL = VAN79 + 0,6985.VAI + 0,7407.VAR + 0,3978.VAH + 0,1985.VAG
+ 0,5159.VAN + 0,5037.VAS + 0,0448.VAQ
Diễn giải các biến trong mô hình hồi quy:
VADL: Giá trị tăng thêm ngành du lịch;
VAN79: Giá trị tăng thêm hoạt động tour du lịch;
VAI: Giá trị tăng thêm ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống; VAR: Giá trị tăng thêm ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; VAH: Giá trị tăng thêm ngành Vận tải, kho bãi;
VAG: Giá trị tăng thêm ngành Bán buôn, bán lẻ hàng hóa;
VAN: Giá trị tăng thêm ngành Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; VAS: Giá trị tăng thêm ngành Dịch vụ khác;
VAQ: Giá trị tăng thêm ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.
Tính Tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch vào tăng trưởng kinh tế theo công thức sau:
Giải pháp và kiến nghị
Qua phân tích, tính toán tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP tỉnh Khánh Hòa, cũng như nhìn nhận, phân tích thực trạng kinh tế của Tỉnh giai đoạn 2015 – 2023 nói chung và của riêng từng ngành kinh tế trong khu vực dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến du lịch, tác giả đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao giá trị gia tăng (VA) của ngành du lịch, từ đó gia tăng tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP. Đó là:
Một là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa. Quan tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, nhất là chính sách thu hút phát triển thị trường khách du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách của địa phương nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng có liên quan trong ngành du lịch nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Hai là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ – du lịch. Phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch biển đảo làm hướng chủ đạo, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển đảo của cả nước và có sức cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, cần phát triển du lịch sinh thái núi ở phía Tây và ở các đảo ven bờ, du lịch văn hoá gắn với các lễ hội, bản sắc văn hóa dân tộc để đa dạng thêm sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu lại của khách, tăng sản phẩm kích thích chi tiêu. Xây dựng trung tâm hội nghị hội thảo lớn kết hợp với các công trình dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp như: Chơi golf, Casino, khu mua sắm miễn thuế, khu ẩm thực chuyên đề hải sản… Tiếp tục thu hút đầu tư thỏa đáng cho các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó lưu ý về y học cổ truyền, các liệu pháp vật lý trị liệu gắn với các sản phẩm tự nhiên của vùng khí hậu nhiệt đới… hiện đang là thế mạnh phát triển của Việt Nam.
Ba là, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường khách du lịch. Hiện nay, thị trường khách quốc tế tại Khánh Hòa cơ bản dần khôi phục so với thời điểm trước dịch Covid-19, song chủ yếu vẫn đến từ: Hàn Quốc, Trung Quốc, Uzbekistan… Trong thời gian tới, ngành du lịch cần quan tâm phối hợp, liên kết chặt chẽ với các hoạt động quảng bá quốc gia đối với một số thị trường truyền thống và có mức chi tiêu cao như: Nga, Anh, Pháp, Đức… và một số thị trường Châu Âu khác. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp qua việc đẩy mạnh xã hội hóa. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như xây dựng trang Web du lịch, tờ rơi, ấn phẩm du lịch với nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức, Hàn, Nhật…), báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội, hội nghị trực tuyến…
Bốn là, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong hoạt động du lịch. Quan tâm các khóa đào tạo ngắn hạn tập trung đáp ứng nhu cầu đào tạo về kỹ năng thực hành nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, quản trị nhóm, marketing về du lịch. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện và năng lực tài chính mở thêm cơ sở dạy nghề (trường, trung tâm, lớp dạy nghề) nhưng cần phải có sự giám sát của Nhà nước. Khuyến nghị nên tham khảo các giáo trình do quốc tế biên soạn. Mở rộng trao đổi thông tin, liên kết và hợp tác giữa đào tạo và sử dụng lao động trong ngành du lịch.
Ngoài bốn giải pháp chính nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp phụ trợ như: Mở rộng hợp tác liên kết vùng, tìm kiếm và mở rộng sản phẩm kích thích nhu cầu chi tiêu của khách du lịch; Phát triển hạ tầng dịch vụ – du lịch và cơ sở hạ tầng phụ trợ như: Giao thông, điện nước, bãi đỗ xe, các công trình thể thao tổng hợp, khu hội chợ triển lãm, khu hội nghị hội thảo quốc tế, hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng miễn thuế…; Nâng cao ý thức cộng đồng tham gia phục vụ khách du lịch để “mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”.
Một số kiến nghị đối với các cơ quan Quản lý nhà nước
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch. Có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch với những ưu đãi để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước.
.
Thứ hai, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội và đời sống. Từ đó thu hút phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, tránh rập khuôn giữa các điểm du lịch trong cùng khu vực.
Thứ ba, nghiên cứu thị trường khách du lịch, đặc biệt chú trọng khách có khả năng chi tiêu cao để có giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp với từng giai đoạn, từng thị trường. Đa dạng hóa các phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh như: Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, tình trạng tự phong sao của các cơ sở lưu trú, vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Kiến nghị đối với doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch
Cần chủ động và chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh du lịch và phát triển đa dạng các ngành nghề kinh doanh du lịch. Đồng thời, phối hợp hiệp hội hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác để tạo ra một chuỗi các hoạt động du lịch, góp phần làm tăng giá trị phục vụ cho du khách, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tăng cường kỹ năng phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp, có năng lực và trình độ ngoại ngữ. Tích cực sáng tạo các loại hình dịch vụ du lịch mới lạ, khám phá những điểm đến mới để tạo sự mới mẻ trong cung cấp các sản phẩm du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin và truyền thông. Tạo môi trường kinh doanh du lịch văn minh, lành mạnh.
Có chính sách giá dịch vụ rõ ràng, minh bạch, tránh tăng giá vô tội vạ, nhất là vào các dịp lễ Tết, ngày cuối tuần./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (2021). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII. -
Ban Chấp hành Trung ương (2012). Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. -
Nghị quyết số 34/NQ-ND ngày 09/12/2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020. -
Kế hoạch số 12148/KH-UBND ngày 29/11/2021 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. -
Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. -
Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. -
TS. Nguyễn Thị Hương (2016), Nghiên cứu thống kê đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ. -
Tổng cục Du lịch (2006), Giới thiệu về tài khoản vệ tinh du lịch – Đề xuất hệ thống phương pháp luận, Bản tin Du lịch quý III-IV/2006. -
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê (2018), Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018, Nhà xuất bản Thống kê. -
Niên giám Thống kê tỉnh Khánh Hòa các năm 2020-2023, Nhà xuất bản Thống kê.
ThS. Hồ Lê Tấn Thanh – ThS. Dương Thị Thanh Huyền
Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa
https://consosukien.vn/du-lich-khanh-hoa-nganh-kinh-te-mui-nhon-dong-gop-manh-trong-tang-truong-kinh-te.htm