Đồng chí Trần Lưu Quang, Trưởng Ban kinh tế Trung ương và các đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri quận Hải An
(Haiphong.gov.vn) – Chuẩn bị kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 30/9 các đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ và các đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri quận Hải An.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Trọng Đức, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11; kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, đợt 1: từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2: từ ngày 20/11 đến ngày 30/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 Luật; xem xét, cho ý kiến 12 dự án luật và quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hải An đồng tình với nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 8. Đồng thời có kiến nghị liên quan đến một số vấn đề như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp đồng bộ, đảm bảo ổn định giá một số yếu tố đầu vào (như giá xăng dầu, giá điện…), giá lương thực, thực phẩm, nông sản… để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh; nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Quan tâm, ưu tiên nguồn lực và tập trung tháo gỡ cho một số dự án đầu tư công trọng điểm như: tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai kết nối với Trung Quốc, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, sớm triển khai xây dựng nhà ga hàng hóa T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn….
Cử tri đề xuất Chính phủ và thành phố thúc đẩy nhanh việc triển khai các bến cảng còn lại tại khu Lạch Huyện, cũng như đẩy nhanh việc xây cầu Tân Vũ Lạch Huyện 2 đáp ứng lượng hàng gia tăng, tránh ùn tắc. Cùng với đó, việc triển khai cảng biển nước sâu tại khu vực Nam Đồ Sơn trước 2030 là vô cùng cần thiết. Tiếp tục đẩy nhanh hệ thống kết nối giao thông như đường ven biển kết nối Hải phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa,… để tăng kết nối cho khu vực Nam Hải phòng. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ xem xét đưa các dự án đầu tư Cảng, trung tâm Logistics vào diện thu hồi đất vì phát triển kinh tế xã hội, tương tự như các Khu công nghiệp để đẩy nhanh và đơn giản quá trình thu hồi đất.
Về phát triển hạ tầng cảng biển, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội bộ các cảng trong khu vực, bổ sung cầu vượt biển và tuyến đường sau bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và nâng cấp luồng đường thủy nội địa để đảm bảo các cỡ tàu hoạt động. Sớm chấp thuận chủ trương cho các cảng thượng lưu của Cảng Nam Đình Vũ được nạo vét đoạn luồng còn lại đến – 8,5 m để đảm bảo độ sâu đồng nhất cho tuyến luồng, tạo sự bình đẳng cho các cảng trong khu vực.
Bên cạnh đó, cử tri nêu ý kiến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành có chính sách hợp lý, tạo điều kiện để người dân thực sự có nhu cầu, đang rất khó khăn về nhà ở được tiếp cận mua nhà nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Đất đai năm 2024; hướng dẫn thống nhất việc bố trí tái định cư cho hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất vì hiện nay có những quy định khác nhau về tái định cư giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Các ý kiến của cử tri còn đề cập đến các bất cập trong quá trình thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Di sản, Luật Quảng cáo, Luật Nhà giáo, Luật Việc làm, dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và quy hoạch nông thôn, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cử tri quận Hải An. Đồng chí đánh giá, quận Hải An với lợi thế về cảng biển và Logistic có sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố Hải Phòng. Hiện nay, dư địa để quận phát triển vẫn còn, đó là khả năng lấn biển và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Do đó, thời gian tới quận cần tập trung vào 5 vấn đề: chuyển đổi số trong Logistic, thuận tiện hơn trong các loại hình giao thông, đường nối với các cảng biển, biến đổi khí hậu, nhân lực chất lượng cao phục vụ Logistic hiện đại và các vấn đề đô thị (GPMB).
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ, cảm ơn các ý kiến đánh giá của đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời thông tin làm rõ thêm tình hình phát triển KT-XH của thành phố 9 tháng. Hải Phòng giữ vững vị trí là điểm sáng về phát triển kinh tế khi duy trì được mức tăng trưởng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế 9 tháng ước đạt 87.540 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 77,4% so với cùng kỳ, đạt 103% dự toán Trung ương giao và đạt 86% dự toán HĐND thành phố giao. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 9 tháng thu hút 1.717,22 triệu USD, đạt 85,86% kế hoạch. Tuy nhiên, trong đầu tháng 9 vừa qua, do tác động của bão số 3 (siêu bão Yagi) thành phố chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổng số tiền thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính gần 12,3 nghìn tỷ đồng. Để triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, thành phố đã huy động tối đa mọi nguồn lực, kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ đến nay đã khôi phục, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, nước; ổn định đời sống Nhân dân trong thời gian ngắn; nhanh chóng thực hiện công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau bão.
Thời gian tới, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, gắn với tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực; cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3. Bám sát tiến độ, tập trung làm việc với các cơ quan Trung ương trong việc sơ kết và xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Tập trung thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã được HĐND thành phố giao. Tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) vào ngày 05/10/2024.
Những vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến thẩm quyển của thành phố, đồng chí Bí thư Thành uỷ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan kịp thời giải đáp và có hướng giải quyết. Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình tại kỳ họp thứ 8 sắp tới./.
https://haiphong.gov.vn/su-kien/dong-chi-tran-luu-quang-truong-ban-kinh-te-trung-uong-va-cac-dai-bieu-quoc-hoi-hai-phong-tiep-xu-710893