Định hướng đầu tư trong chu kỳ kinh tế mới

Date:

(ĐTCK) Trong quý III/2024, GDP ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% và như vậy, Việt Nam đã có ba quý liên tiếp đạt mức tăng trưởng tốt và vượt kỳ vọng của thị trường.

Theo dõi các chỉ số quan trọng để đánh giá chu kỳ của nền kinh tế như hoạt động sản xuất, tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của doanh nghiệp và các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu của pha phục hồi, sau khi đã tạo đáy trong giai đoạn 2020 – 2023.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc đầu tư cổ phiếu Manulife Investment Management (Viet nam)

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc đầu tư cổ phiếu Manulife Investment Management (Viet nam)

Vào pha phục hồi sau khi đã tạo đáy

Chỉ số sản xuất công nghiệp đã ghi nhận mức hồi phục và tăng trưởng rất tích cực qua từng tháng trong năm nay, đặc biệt từ cuối quý I và đạt mức cao trong tháng 9; trong đó, đóng góp chủ yếu từ hoạt động sản xuất ngành chế biến, chế tạo, với mức tăng 13,1% trong tháng 9. Song song đó, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam luôn duy trì được mức trên 50 điểm kể từ đầu năm, ngoại trừ tháng 9, do ảnh hưởng của bão Yagi.

Cả hai chỉ số liên quan đến hoạt động sản xuất này phần nào đã cho thấy sự hồi phục và tăng trưởng trở lại của hoạt động sản xuất, vốn là một cấu phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam trong các năm vừa qua. Sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo phải kể đến sự đóng góp của của các động lực quan trọng như xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt gần 336 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, khi nhu cầu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới hồi phục và lượng hàng tồn kho đã giảm đi đáng kể.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng của Việt Nam, khi vốn đăng ký đạt mức 27,26 tỷ USD trong 10 tháng, tăng 2% so với cùng kỳ; vốn thực hiện ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” và tiếp tục cắt giảm lãi suất, các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đã dần dần nới lỏng chính sách tiền tệ, xuất khẩu và FDI tiếp tục được kỳ vọng là những lợi thế cũng như động lực cho nền kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Một điểm sáng khác là kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng đang có sự hồi phục và tăng trưởng tích cực qua các quý, thể hiện sự đồng pha với nền kinh tế chung. Sau khi tạo đáy trong quý III/2022, lợi nhuận doanh nghiệp đã thu hẹp đà giảm trong năm 2023 và bắt đầu tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2023. Bước sang năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp không chỉ có mức tăng hai con số mà còn cao dần qua các quý. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng cũng cải thiện khi các công ty bắt đầu có tăng trưởng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận và sức khỏe tài chính.

Nguồn: GSO, Manulife Investment Management (Việt Nam) thu thập và phân tích. Ghi chú: Các chỉ số trong từng giai đoạn là tính trung bình theo năm, các chỉ số của 9 tháng 2024 là mức tăng trưởng so với cùng kỳ; (*) mức phục hồi mạnh từ mức thấp trong đại dịch và không mang tính định hướng chu kỳ

Nguồn: GSO, Manulife Investment Management (Việt Nam) thu thập và phân tích.

Ghi chú: Các chỉ số trong từng giai đoạn là tính trung bình theo năm, các chỉ số của 9 tháng 2024 là mức tăng trưởng so với cùng kỳ; (*) mức phục hồi mạnh từ mức thấp trong đại dịch và không mang tính định hướng chu kỳ

Các chính sách của Chính phủ hiện nay đang mang tính hỗ trợ và xây dựng những nền tảng quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo. Chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và tăng trưởng lợi nhuận. Trong các năm vừa qua, hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp hầu như ngưng trệ, thể hiện qua tỷ lệ tái đầu tư lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết giảm nhiều trong giai đoạn sau so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 do tình hình kinh tế khó khăn và sức mua yếu. Cùng với sự phục hồi của kinh tế, hoạt động nghiên cứu, đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng cũng tạo ra những thay đổi mang tính cơ cấu cho nền kinh tế, đồng thời giúp lan tỏa tăng trưởng cho nhiều ngành nghề khác và tiêu dùng trong nước. Cũng cần lưu ý thêm, các năm gần đây, Chính phủ rất quyết liệt trong việc tinh chỉnh các chính sách kinh tế nhằm ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế và tạo ra một môi trường kinh doanh ngày càng ổn định. Hàng loạt sắc luật sửa đổi, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua và sớm đưa vào thực hiện. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội thảo luận và phê duyệt các luật sửa đổi liên quan đến thị trường chứng khoán, Luật Điện lực, Luật Đầu tư công…

Nếu lấy mức tăng trưởng trung bình 6% của 25 năm qua làm mức tăng trưởng cơ sở đánh giá cho giai đoạn 2010 – 2024, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ 10 năm, từ đợt tạo đáy trong năm 2010 – 2013 cho đến đợt tạo đáy năm 2020 – 2023 và hiện tại đang ở giai đoạn bắt đầu trong pha phục hồi tính từ năm 2024. Đầu tư phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh phát triển các lợi thế quốc gia trong sản xuất, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài là những động lực quan trọng đang được tập trung để chuẩn bị cho một chu kỳ mới của nền kinh tế.

Định hướng đầu tư trong chu kỳ kinh tế mới

Các ngành nghề mang tính chu kỳ thông thường là những ngành nghề được hưởng lợi nhất trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, nguyên tắc chung này sẽ mang tính tương đối, đặc biệt là ở thị trường đang phát triển như Việt Nam và cần kết hợp thêm với các nghiên cứu với mức độ chi tiết sâu hơn ở từng ngành nghề và ở cấp độ công ty, vì triển vọng và mức sinh lời cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố riêng lẻ đặc trưng của từng ngành nghề như giai đoạn phát triển, môi trường pháp lý, yếu tố cạnh tranh…

Theo nhận định của Manulife Investment Management Viet Nam, những ngành nghề tiềm năng trong bối cảnh kinh tế hiện nay là những ngành nghề được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc duy trì môi trường lãi suất thấp và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang được Chính phủ đẩy mạnh như đầu tư công và xây dựng hạ tầng. Các ngành nghề như tài chính, nguyên vật liệu, công nghiệp được đánh giá sẽ hưởng lợi trong môi trường này.

Một số ngành nghề mang tính nền tảng của nền kinh tế Việt Nam và đang có sự hồi phục và phát triển theo nền kinh tế chung trong dài hạn như tiêu dùng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu… cũng đáng được lưu ý.

Bên cạnh đó, theo các xu hướng lớn của toàn cầu như chuyển đổi số, xanh hóa, phát triển bền vững…, các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo sẽ thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư trong tương lai.

Bất động sản là một ngành lớn và đang có nhiều kỳ vọng về sự hồi phục trong năm 2025, tuy nhiên sự phục hồi này cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc gỡ các nút thắt quan trọng về mặt pháp lý nhằm giúp các công ty trong ngành phát triển được dự án, từ đó tạo ra doanh thu, lợi nhuận và có dòng tiền hoạt động.



https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dinh-huong-dau-tu-trong-chu-ky-kinh-te-moi-post357704.html

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related

Xịt hơi cay nhân viên cửa hàng điện thoại cướp iPhone

Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang.Địa chỉ: Số 49,...

giảm mạnh sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed

<img src="https://zom.vn/wp-content/uploads/2024/12/giavang.gif" alt="Giá Vàng  thế giới giảm mạnh. Ảnh minh...

Giá vàng hôm nay 06/12: Tuột dốc không phanh?

Bảng Giá Vàng hôm nay 06/12 sẽ được Báo...