(QBĐT) – “Nghiên cứu và đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vừa được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) tổ chức hội thảo để tranh thủ ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học. Đề tài được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS tỉnh, một tiềm năng rất hấp dẫn và phong phú lâu nay chưa được quan tâm đầu tư khai thác…
Giám đốc BQL VQG PN-KB, chủ nhiệm đề tài Phạm Hồng Thái thông tin, tỉnh Quảng Bình có hai DTTS là Bru-Vân Kiều và Chứt với 9 tộc người còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa về lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực, các làn điệu dân ca đặc sắc; đồng thời địa phương còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, đặc biệt là VQG PN-KB đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Mấy năm trở lại đây, Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo và có nhiều chính sách phù hợp để kêu gọi đầu tư phát triển nhiều sản phẩm du lịch (SPDL); trong đó có một số SPDL nổi tiếng mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của du lịch Quảng Bình trên thị trường du lịch thế giới…
“Hiện, dòng SPDL tại Quảng Bình đang thiên hướng về du lịch cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa chưa được quan tâm đầu tư khai thác, đặc biệt là các giá trị văn hóa của nhóm các DTTS Bru-Vân Kiều và Chứt phân bố dọc theo sườn đông của dãy Trường Sơn. Ở đó, mỗi tộc người đều có những giá trị văn hóa độc đáo riêng, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực. Đến nay, mới có một vài SPDL trải nghiệm thiên nhiên kết hợp với trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng DTTS nhưng vẫn là những SPDL mới đưa vào khai thác hoặc thử nghiệm nên chưa có sức thu hút khách du lịch…”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ.
|
Cũng theo ông Phạm Hồng Thái, xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các SPDL về văn hóa-lịch sử, SPDL theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm; tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhóm nghiên cứu đề tài đã khảo sát thực địa tại 120 thôn, bản của 16 xã vùng DTTS tỉnh Quảng Bình. Kết quả cho thấy, 24 thôn, bản có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng; nhiều bản có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, rừng nguyên sinh, hệ thống hang động, sông, suối, thác nước đẹp. Bên cạnh đó, nhiều bản làng còn giữ được những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có sức hấp dẫn đối với hoạt động du lịch…
Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo sát, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và đề xuất 5 SPDL và 1 mô hình làng du lịch cộng đồng vừa trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa lịch sử vừa gắn với văn hóa tộc người cần được thực hiện, đó là: SPDL trải nghiệm gắn với đời sống văn hóa tộc người Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh); SPDL gắn với văn hóa tộc người Mày và Khùa tại xã Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa); SPDL gắn với văn hóa tộc người Mã Liềng tại xã Lâm Hóa và Thanh Hóa (Tuyên Hóa); SPDL gắn với tộc người Ma Coong tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch); SPDL gắn với văn hóa tộc người Arem tại xã Tân Trạch (Bố Trạch); mô hình làng du lịch cộng đồng tại bản Rào Con, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Các SPDL được đề xuất cơ bản đáp ứng các tiêu chí về tính hấp dẫn, khả thi, bền vững và tính kinh tế-xã hội; đồng thời việc tổ chức và đưa vào khai thác các SPDL này sẽ góp phần đa dạng hóa SPDL, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương của du khách khi đến với Quảng Bình.
|
Để các SPDL được triển khai thực hiện có hiệu quả theo đúng chiến lược, quy hoạch và chương trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 8 nhóm giải pháp phát triển các SPDL trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng DTTS, bao gồm: Quy hoạch, xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng các DTTS; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để đa dạng hóa các SPDL của cộng đồng các DTTS; nâng cao công tác quản lý và đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển du lịch cộng đồng các DTTS; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá các SPDL của cộng đồng các DTTS; ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho phát triển du lịch cộng đồng các DTTS; tăng tính liên kết và chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng và các bên liên quan; bảo tồn tài nguyên du lịch văn hóa của cộng đồng các DTTS; bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong khai thác du lịch tại cộng đồng các DTTS…
“Việc phát triển SPDL vùng đồng bào DTTS không chỉ tạo thêm SPDL cho tỉnh mà còn giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS có thêm việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời thông qua hoạt động du lịch giúp họ nâng cao nhận thức và trân trọng hơn các giá trị của tự nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương mình, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị tự nhiên văn hóa của dân tộc…”, Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho hay. |
Ngọc Hải
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-van-hoa-cong-dong-dan-toc-thieu-so-2222603/