Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ vượt mục tiêu
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường nhưng trên cơ sở kết quả 8 tháng, dự kiến cả năm, tình hình kinh tế – xã hội đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội.
Chỉ tiêu tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt 6,8 – 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 – 6,5%) và vượt cả dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.
Phân tích cụ thể hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng GDP vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là nhờ nhiều lĩnh vực duy trì đà tăng khá như: Khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, cả năm ước tăng 7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng dưới 4,5%; thu Ngân sách Nhà nước ước cả năm tăng 10,1% so với dự toán…
Đặc biệt, thu hút FDI là điểm sáng nhất khi vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,55 tỷ USD, tăng 3,4%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
Lĩnh vực hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đến nay, 2.021km đường bộ cao tốc đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2024, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 15 bậc.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, năm nay, tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nếu không có ảnh hưởng của bão số 3, mức tăng còn cao hơn.Về môi trường đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những yếu tố bất ổn, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững vàng, lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Tuy đạt nhiều kết quả trong 8 tháng và ước cả năm sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, tình hình kinh tế – xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài (lạm phát, tỷ giá…); hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại, xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI…
Nỗ lực tái thiết, duy trì đà tăng trưởng
Bất chấp những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 (theo tính toán của Bộ KH&ĐT ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP trong năm nay), các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những “cơn gió ngược”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất đã quyết định nâng dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1% – cao hơn mức dự báo gần 6% được đưa ra hồi tháng 6.
Tại báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 9 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, ADB giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2024 và 2025 lần lượt ở mức 6% và 6,2%.
Trong khi đó, với nhận định cho rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra, HSBC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng nêu bật một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, nhu cầu từ bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ gia tăng và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Mỹ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân mảnh, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Ngoài ra, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ làm tăng thêm sự bất ổn. Hơn nữa, việc Fed hạ lãi suất cùng những động thái tương tự được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trước đó cũng là yếu tố có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam suy yếu.
Còn theo HSBC, các hoạt động kinh tế trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. HSBC cũng đưa ra một số rủi ro chính cho nền kinh tế Việt Nam như: Hậu quả đặc biệt nặng nề do siêu bão Yagi, biến động đột ngột của giá năng lượng thế giới, giá thực phẩm; mức độ hồi phục của nhu cầu hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Âu.
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo thuận lợi cho các khoản tài trợ có chi phí thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Nhận định về nỗ lực tái thiết nền kinh tế Việt Nam sau những thiệt hại do bão Yagi và hoàn lưu sau bão, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng cơ chế tốt nhất để tái thiết là dựa vào bảo hiểm và các nguồn hỗ trợ ngân sách như đầu tư công.
Bên cạnh gói cứu trợ trực tiếp lên đến 350 tỷ đồng của Chính phủ Việt Nam và sự đồng lòng của toàn dân cũng như bạn bè quốc tế, bảo hiểm sẽ là nguồn lực đóng góp trực tiếp vào quá trình phục hồi tài sản.
Ngoài ra, các hình thức hỗ trợ ngân sách như đầu tư công liên quan đến xây dựng hạ tầng sau thiên tai và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng rất quan trọng.
Cũng cho rằng những kết quả đạt được thời gian qua đang tạo sự phát triển khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tuy nhiên chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam chịu tác động nhiều từ nền kinh tế Mỹ.
Mỹ là nước xuất khẩu số một của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc là nước chúng ta nhập khẩu nhiều nhất. Tất cả thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng rất mạnh tới chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng như có tác động tới các thị trường của Việt Nam, từ thị trường chứng khoán, thị trường vàng tới các thị trường khác…
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 119
https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/kinh-te-tiep-tuc-phuc-hoi-vung-vang-20241003110902011.htm