Cuộc soán ngôi ngoạn mục của các hãng xe công nghệ nội địa

 

Thị trường 100 triệu dân chứng kiến những màn rượt đuổi khốc liệt của các hãng gọi xe công nghệ trong và ngoài nước. Ảnh: T.L.

Thị trường 100 triệu dân chứng kiến những màn rượt đuổi khốc liệt của các hãng gọi xe công nghệ trong và ngoài nước. Ảnh: T.L.

“Kỳ lân” ngoại hụt hơi

Tháng 11 năm ngoái, Baemin chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau hơn 4 năm hoạt động. Thời điểm đó, “kỳ lân” giao đồ ăn của Hàn Quốc nắm giữ 12% thị phần của thị trường giao đồ ăn, nhưng không thể tiếp tục mở rộng thị phần và tăng trưởng người dùng. Giai đoạn 2020-2023, Baemin lỗ sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng.

Sự rời đi của Beamin đồng nghĩa miếng bánh thị phần 12% sẽ chia đều cho các đối thủ còn lại, trong đó có Gojek. Những tưởng, Gojek sẽ có lợi thế hơn vì loại đi một đối thủ mạnh. Nhưng không, thị phần của công ty này lại liên tục bị thu hẹp từ từ 30% xuống còn 7% trong 2 năm qua. Gojek liên tiếp thua lỗ và đến cuối năm 2023 đã lỗ lũy kế gần 5.700 tỷ đồng. Chưa đầy 1 năm sau sự kiện của Beamin, Gojek cũng ra một thông báo tương tự, chính thức rời Việt Nam.

Trước đó vào năm 2018, gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ là Uber, từng được mệnh danh là đối thủ “ngang tài, ngang sức” với Grab, cũng rút khỏi thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động tại đây. Điều này cho thấy sự khốc liệt của thị trường gọi xe công nghệ.

Nhiều năm nay, các ứng dụng gọi xe công nghệ đua nhau khuyến mại để lôi kéo người dùng. Chiêu thức này tỏ ra vô cùng hiệu quả ở giai đoạn đầu khi thị trường còn ít đối thủ, tiềm lực tài chính của các công ty mẹ vững chắc, kinh tế thế giới ít biến động.

Nhưng kể từ sau đại dịch, cùng với cuộc xung đột địa chính trị, kinh tế thế giới ngày càng bất ổn. Các công ty mẹ của ứng dụng gọi xe buộc phải cắt giảm chi phí, đồng nghĩa, việc tung ra các khuyến mại ít dần. Dẫu vậy, người tiêu dùng không chấp nhận điều này. Một phần vì họ đã quen được nuông chiều bởi các khuyến mại khi dùng dịch vụ; phần khác họ buộc phải cắt giảm chi tiêu khi lạm phát tăng cao, thu nhập sụt giảm. Đó là lý do họ sẵn sàng “quay xe” với các ứng dụng khác nếu có khuyến mại tốt hơn. 

Theo khảo sát của Q&Me, 42% người Việt sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Điều này dễ hiểu vì nhiều năm nay, ứng dụng này luôn tập trung thu hút tệp khách hàng trẻ bằng phân khúc giá rẻ. Be thứ hai với tỷ lệ 32%, và Xanh SM đạt tỷ lệ là 19%. Trong khi đó, chỉ 7% người dùng cho biết thường xuyên sử dụng Gojek.

Những chiến lược chiều sâu của tay chơi nội

“Miếng bánh” gọi xe công nghệ giờ đây còn lại 3 người chơi chính, trong đó có 2 hãng nội địa. Ảnh: T.L.

Bên cạnh việc tung các mã khuyến mại, các ứng dụng gọi xe công nghệ nội địa đang có chiến lược có chiều sâu hơn để mở rộng thị phần.

Hãng xe công nghệ nội địa Be tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc tung ra hàng loạt dịch vụ “VIP” bao gồm beCar Plus, beBike Plus (tài xế và xe đẳng cấp hơn) nhằm tập trung “đánh” vào nhóm khách hàng Gen Z yêu thích trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Be còn hướng tới xây dựng “siêu ứng dụng” khi tích hợp cả 5 phương thức di chuyển: xe máy; ô tô, vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xe khách trên ứng dụng của mình. Điều này khác với những đối thủ khi họ chỉ khai thác đơn lẻ dịch vụ gọi xe hoặc bán vé máy bay, tàu hỏa…

Nhờ chiến lược phát triển theo chiều sâu đã giúp Be thu về những kết quả tích cực. Trong nửa đầu năm, tổng giá trị vé máy bay bán trên ứng dụng tăng gấp 2 lần, vé xe khách tăng gấp 5 lần so với cùng kì năm ngoái. Mới nhất, dịch vụ đặt vé tàu hỏa trên Be mang về doanh thu gấp 3 lần kỳ vọng ngay trong tuần đầu ra mắt.

Khảo sát thói quen sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ 2024 của Q&ME cũng cho thấy Be đang là siêu ứng dụng có mức chi tiêu trên đầu người cao nhất, trung bình 474.000 đồng/người/tháng; vượt Grab 366.000 đồng/người/tháng. Be cũng là ứng dụng có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ.

Về phía Xanh SM, hãng xe công nghệ thuần Việt cũng cho thấy sức ảnh hưởng không hề nhỏ. Chỉ sau hơn 1 năm ra mắt thị trường, hãng đã nhanh chóng chiếm 20% thị phần gọi xe công nghệ.

Hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhanh chóng tạo dấu ấn trên thị trường nhờ vào những điểm vượt trội so với những đối thủ khác như: sử dụng 100% xe điện, chất lượng phục vụ được nâng cao (tập trung đào tạo tài xế bài bản, cung cách phục vụ chuyên nghiệp, kèm nhiều tiện ích như chăn gối, nước uống, wifi miễn phí…), đặt xe linh hoạt (qua ứng dụng của Xanh SM, qua app gọi xe Be hoặc gọi trực tiếp qua tổng đài), giá cả phân cấp theo từng dòng xe và cam kết duy trì ổn định. Đây là những yếu tố giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, “đánh” đúng nỗi đau của những khách hàng Gen Z yêu thích những trải nghiệm mới, những khách hàng thu nhập cao và khó tính.

Hiện Xanh SM mở rộng thêm dịch vụ cho thuê xe điện tự lái, có lái. Mới nhất là ra mắt nền tảng Xanh SM Platform, cho phép chủ xe ô tô điện VinFast trên toàn quốc kết nối để cung cấp dịch vụ vận chuyển và chia sẻ doanh thu. Đây có thể là bước ngoặt quan trọng giúp hãng phủ rộng toàn quốc theo cấp số nhân.

Như vậy, trong khi các hãng xe công nghệ ngoại phải phân tán quá nhiều nguồn lực cho nhiều thị trường khác nhau, trong đó có Việt Nam, thì các đối thủ nội địa lại có sự tập trung hơn cho thị trường trong nước.

Khi các gã “kỳ lân” ngoại từ bỏ 4-5 năm đã dành cho thị trường 100 triệu dân vì không đạt mục tiêu như kì vọng, cũng là cơ hội cho các hãng xe công nghệ thuần Việt. Họ đã có nền tảng nhờ vào việc thấu hiểu văn hóa tiêu dùng địa phương, giờ đây có thêm thị phần do các “ông lớn” bỏ lại, chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng và gia tăng người dùng. Thậm chí, ngay cả gã khổng lồ Grab hiện đang chiếm hơn 40% thị phần, cũng rất dễ bị soán “ngôi vương” nếu không có chiến lược bứt phá hơn giai đoạn trước.

https%3A%2F%2Fdoanhnhantrevietnam.vn%2Fcuoc-soan-ngoi-ngoan-muc-cua-cac-hang-xe-cong-nghe-noi-dia-d24275.html

Có thể bạn chưa xem

Bài viết cùng tác giả