Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh nhất 16 năm

Trong phiên giao dịch thứ Hai (30/9), chỉ số CSI 300 gồm 300 cổ phiếu lớn nhất trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến tăng 8,5% khi nhà đầu tư mua vào mạnh trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần.

Diễn biến này tiếp nối đà tăng bắt đầu từ tuần trước khi trước tiên là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và sau đó là Bộ Chính trị Trung Quốc cam kết triển khai các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa trên diện rộng để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng ảm đạm.

Phiên tăng điểm mạnh đầu tuần đánh dấu sự phục hồi ngoạn mục của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau hơn 3 năm rưỡi chứng kiến nhiều đợt sụt giảm mạnh trong bối cảnh khối ngoại rút khỏi do lo ngại về nền kinh tế suy yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

“Chúng tôi cho rằng đợt tăng điểm này có thể duy trì”, ông Manik Narain, giám đốc chiến lược về các thị trường mới nổi tại ngân hàng UBS, nói với Financial Times. “Không quá lạc quan khi dự báo thị trường có thể thể tăng thêm 5-10% nữa”.

Theo dữ liệu từ LSEG, khối lượng giao dịch hàng ngày của chứng khoán Trung Quốc trong phiên 30/9 cũng ghi nhận mức cao nhất 9 năm. Chỉ số CSI 300 hiện đã tăng tổng cộng 24% sau 5 phiên kể từ thứ Ba tuần trước, thời điểm trước khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố. Đây là gói chính sách lớn nhất của Bắc Kinh kể từ đại dịch Covid-19, bao gồm bơm thanh khoản, hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Đóng cửa phiên ngày 30/9, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông cũng tăng 2,4%, dẫn đầu là các công ty cũng niêm yết ở Trung Quốc đại lục như Alibaba và Tencent. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 24%, trong đó phần lớn đến từ sự tăng trưởng trong vài tuần trở lại đây. Với mức tăng này, Hang Seng tăng mạnh hơn so với chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ – chỉ số đã tăng 20% từ đầu năm.

Phiên tăng lịch sử của chứng khoán Trung Quốc ngược lại với diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn châu Á. Phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 4,8% trong phiên giao dịch hỗn loạn sau khi tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật, người dự kiến trở thành Thủ tướng mới, ông Shigeru Ishiba, thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 27/10. Sự sụt giảm này cho thấy niềm tin mong manh của nhà đầu tư với ông Ishiba, người trước đó tuyên bố sẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập từ đầu tư.

Chỉ số CSI 300 bắt đầu quay đầu tăng điểm từ thứ Tư tuần trước - Nguồn: Financial Times
Chỉ số CSI 300 bắt đầu quay đầu tăng điểm từ thứ Tư tuần trước – Nguồn: Financial Times

Trong khi đó, chỉ số BSE Sensex của Ấn Độ, vốn được hưởng lợi lớn khi giới đầu tư quốc tế xoay trục khỏi Trung Quốc, giảm 1,5%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 2,1%.

Diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán cũng đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Trong đó, hợp đồng tương lai quặng sắt giao tháng 1/2025 trên Sàn hàng hóa Đại Liên tăng gần 11%.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đà tăng hiện tại của chứng khoán Trung Quốc có thể không bền vững nếu động lực chính chủ yếu đến từ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Các nhà phân tích kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết về các biện pháp kích thích tài khóa.

“Thị trường cần các cú huých liên tục, với hành động đầu tiên là nới lỏng chính sách tiền tệ, theo sau là chương trình kích thích tài khóa lớn và tiếp đó là những cải cách mang tính cấu trúc. Có như vậy, đà tăng này mới bền vững chứ không chỉ diễn ra trong ngắn hạn”, bà Minyue Liu, chuyên viên đầu tư phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục và các thị trường mới nổi toàn cầu tại BNP Paribas Asset Management, nhận xét.

“Sau tuần lễ nghỉ quốc khánh, chúng ta có thể được biết thêm thông tin chi tiết về các biện pháp kích thích. Chúng tôi đang mong đợi các biện pháp kích thích tiêu dùng”.

https://vneconomy.vn/chung-khoan-trung-quoc-tang-manh-nhat-16-nam.htm

Có thể bạn chưa xem

Bài viết cùng tác giả