Cần cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục thuận lợi nhất cho công nghiệp công nghệ số phát triển

Date:

Thảo luận tại Tổ 2 về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu xây dựng dự thảo Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục thuận lợi nhất nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Sáng 23.11, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý đầu tư vốn tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về 2 nội dung này.

Cách tiếp cận cần xuất phát từ thực tiễn, bảo đảm chính sách khả thi

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng đây là cơ hội để tạo ra khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ số, phù hợp với định hướng phát triển của lĩnh vực này.

202411231131170915-dsc-7083.jpg
ĐBQH Vũ Hải Quân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

ĐBQH Vũ Hải Quân nhận thấy, công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Do đó, cần rà soát, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Công nghệ thông tin về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Theo đại biểu Vũ Hải Quân, cần đánh giá trong 20 – 30 năm qua, công nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta đã đạt được những cái kết quả gì, đâu là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, đâu là những rào cản và đối chiếu vào Luật Công nghệ thông tin để rút ra cái bài học kinh nghiệm trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách?

Đại biểu Vũ Hải Quân nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng dự thảo Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra.

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử…

Nêu vấn đề trên, đại biểu Vũ Hải Quân nhấn mạnh, cần chỉ ra được những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp công nghệ số để từ đó đề xuất được những điều khoản, chính sách hết sức cụ thể trong dự thảo Luật nhằm phát triển lĩnh vực này.

“Nếu vẫn quy định các chính sách chung chung, bị phân mảnh giữa các luật khác nhau thì cuối cùng dự thảo Luật cũng sẽ giống như Luật Công nghệ thông tin, mặc dù chúng ta thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp công nghệ số nhưng 20 – 30 năm sau đến khi tổng kết lại thì e rằng sẽ rất khó để đạt được kết quả mang tính đột phá”, đại biểu nói.

202411231131171383-z6060810435596-cae3e796e1e0d358f0f9d5e83445a41c.jpg
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, khoa học công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ số phát triển và thay đổi rất nhanh, chính vì vậy, cần đưa vào dự thảo Luật nguyên tắc “tạo điều kiện cho Chính phủ có sự linh hoạt nhất có thể trong tổ chức thực hiện, nhằm vận hành quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ số thuận lợi nhất.

Góp ý chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, một số đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Quan tâm đến chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp công nghệ số, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đại biểu, các chính sách nên tạo điều kiện cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành lĩnh vực này có cơ hội để đầu tư phát triển hơn, hoặc cho phép các trường đại học đầu tư mở rộng đào tạo ngành nghề này.

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong khu vực công lập, nhằm khuyến khích lực lượng này tham gia phục vụ phát triển công nghệ số trong khu vực công.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, tự tin hơn trong sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh

Góp ý vào dự thảo Luật Quản lý đầu tư vốn tại doanh nghiệp, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, xây dựng dự án Luật nhằm góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, dự thảo Luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp nhà nước và đi liền với đó là cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra nhằm bảo đảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được quản lý, sử dụng hiệu quả.

Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành chưa tách bạch, phân định rõ chức năng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước. Do đó, dự thảo Luật cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa ba chủ thể này.

Đại biểu cũng mong muốn, dự thảo Luật có những quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn, tự tin hơn trong sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm các thủ tục rườm rà không cần thiết.

Góp ý vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1), ĐBQH Dương Văn Thăng đề nghị nghiên cứu quy định đối với trường hợp vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp cho phù hợp, bảo đảm quản lý chặt chẽ và tránh lãng phí, thất thoát đối với nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thực tế hiện nay tại một số doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong vay vốn, phải bán tài sản đầu tư ở nước ngoài nhưng đến khi thực hiện phải tuân theo Luật Đấu giá tài sản nhưng Luật này lại không áp dụng được với nước sở tại. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị, bổ sung quy định trường hợp này vào dự thảo Luật.

Thanh Chi



https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fcan-co-che-chinh-sach-uu-dai-thu-tuc-thuan-loi-nhat-cho-cong-nghiep-cong-nghe-so-phat-trien-post397244.html

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related