Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế

Date:

Đô thị hiện đại, thông minh phía Nam

Từ một tỉnh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Bình Dương đã có những bước chuyển mình ngoạn mục để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất.

Không dừng lại ở đó, Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế ở các đô thị phía Nam như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên. Các địa phương này sẽ được tái thiết, cải tạo và hướng đến phát triển các mô hình đô thị mới theo định hướng TOD.

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Trung tâm thành phố mới Bình Dương sẽ là trung tâm đô thị hiện đại

Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương đã lên kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường ở phía Nam lên các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc. Việc di dời được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo không gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Hải, kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC đánh giá cao tầm nhìn và quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương. Ông cho rằng việc sử dụng không gian một cách hiệu quả và xác định rõ các trục kinh tế chính là những điểm sáng trong quy hoạch này.

“Lần đâu tiên tôi chứng kiến một bảng quy hoạch tích hợp toàn bộ tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Việc sử dụng không gian cho phát triển đó cũng đã được tính toán rất rõ ràng trong quy hoạch. Bằng cách xác định trục kinh tế chính, hành lang kinh tế chủ đạo chia ra những không gian động lực kinh tế phát triển, phía Nam làm gì, di dời công nghiệp, tái tổ chức đô thị, thay đổi phương thức đi lại cho người dân, phát triển mô hình đô thị TOD, đến việc chuẩn bị quỹ đất ở phía Bắc tiếp nhận toàn bộ di dời về công nghiệp”, ông Hải nói.

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Bình Dương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng để phát triển địa phương

Để trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, nhằm kết nối với cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành. Đặc biệt, việc hoàn thiện đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho địa phương.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, đây là một bước đi đúng đắn để Bình Dương chuyển mình và trở thành một đô thị hiện đại, năng động. “Mặc dù giao thông chưa thuận lợi nhưng Bình Dương cũng tận dụng được lợi thế. Riêng đầu tư đường Mỹ Phước-Tân Vạn mà nay là một đoạn thành đường Vành đai 3, thì đó là cái nhìn tạo lợi thế của vùng qua đầu tư về giao thông. Tôi tin rằng, trong tương lai làm đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành thì Bình Dương rất có lợi thế trong liên kết phát triển, tạo lợi thế của vùng thành lực đẩy cho mình trong tương lai”.

Xóa vùng trũng kinh tế phía Bắc

Ngoài phát triển mạnh ở các địa phương phía Nam, Bình Dương cũng quyết tâm xóa bỏ tình trạng “vùng trũng” kinh tế ở các địa phương phía Bắc là huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bàu Bàng. Để làm được điều này, tỉnh ưu tiên phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, kết hợp với các dịch vụ sinh thái, tăng cường độ phủ xanh và phát triển năng lượng tái tạo.

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 3.

Các huyện phía Bắc của Bình Dương đang mở rộng các khu công nghiệp để xóa “vùng trũng” kinh tế

Đơn cử như huyện Bàu Bàng, chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương này đã có sự thay đổi ngoạn mục từ một huyện thuần nông trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của Bình Dương.

Ngoài khu công nghiệp Bàu Bàng có diện tích hơn 2.000 ha, huyện đang xây dựng thêm khu công nghiệp Cây Trường, Lai Hưng với quy mô lớn, hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và bền vững.

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 4.

Bàu Bàng phát triển mạnh công nghiệp sau 10 năm tái lập

Đến nay, huyện Bàu Bàng đã thu hút hơn 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 4,6 tỷ USD vào khu công nghiệp Bàu Bàng. Sự phát triển công nghiệp đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, huyện đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: “Huyện đã ban hành các kế hoạch, chương trình để đảm bảo chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lí ổn định cho các  doanh nghiệp hoạt động. Song song đó, chúng tôi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiến tới tạo điều kiện thuận nhất cho doanh nghiệp”

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 5.

Hiện nay, Phú Giáo đã trở thành vùng đất của nông nghiệp công nghệ cao

Nếu trước đây, Phú Giáo được biết đến với những vườn cao su bạt ngàn thì ngày nay, địa phương này đang chuyển mình thành một trong những trung tâm công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại như U&I, Phú An Khương và hợp tác xã dưa lưới Kim Long, Phú Giáo đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo quy hoạch, huyện Phú Giáo sẽ dành 4.700 ha đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp Tam Lập và VSIP 4. Điểm nhấn trong quá trình phát triển công nghiệp của huyện là hướng tới xây dựng các khu công nghiệp xanh, bền vững, kết hợp với đô thị công nghiệp dịch vụ. Huyện sẽ tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, sạch và giảm thiểu gia công, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện nay huyện Phú Giáo đang tập trung huy động các nguồn lực, kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách được phân cấp để đầu tư công trình, dự án được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Huyện cũng chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn huyện, nhất là các công trình trọng điểm có tính đột phá”.

Bình Dương không còn vùng trũng trong phát triển kinh tế- Ảnh 6.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế các huyện phía Bắc của tỉnh

Có thể thấy, những định hướng phát triển mà Bình Dương đưa ra là một bước đi đúng đắn. Sau khi đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi từ một tỉnh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành một trung tâm công nghiệp hàng đầu, Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế của mình bằng việc không ngừng đổi mới và sáng tạo. Điều này cho thấy địa phương đã có tầm nhìn dài hạn và quyết tâm xây dựng một Bình Dương phát triển bền vững, trở thành một trong những động lực tăng trưởng của cả nước.

https://cafef.vn/binh-duong-khong-con-vung-trung-trong-phat-trien-kinh-te-188241124082506234.chn

Share post:

Subscribe

spot_imgspot_img

Popular

More like this
Related